1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga cảnh báo Na Uy về việc cho phép lính Mỹ đồn trú

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Nga đã cảnh báo rằng Na Uy có thể trở thành mục tiêu tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Moscow sau khi nước này cho phép 330 lính thủy quân lục chiến của Mỹ đồn trú vào năm sau, trang tin Dailymail (Anh) đưa tin ngày 31/10.

Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia huấn luyện cùng binh sĩ Na Uy, Hà Lan và Anh trong cuộc tập trận “Phản ứng Lạnh 2016” ở Namsos, Na Uy hồi đầu năm nay (Ảnh: The Local)
Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia huấn luyện cùng binh sĩ Na Uy, Hà Lan và Anh trong cuộc tập trận “Phản ứng Lạnh 2016” ở Namsos, Na Uy hồi đầu năm nay (Ảnh: The Local)

Theo Dailymail, ông Frants Klintsevich, phó chủ tịch Ủy ban an ninh và quốc phòng Nga, phát biểu trên kênh truyền hình TV2 của Nga hôm 31/10 rằng Điện Kremlin coi việc Na Uy, quốc gia có chung đường biên giới với Nga, cho phép 330 lính thủy đánh bộ được đồn trú tại căn cứ Vaernes, miền trung nước này từ tháng 1/2017, là mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Moscow.

Cũng theo ông Klintsevich, động thái triển khai quân tới lãnh thổ Na Uy là một phần trong kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực sát nách Nga và sẽ kéo Na Uy vào một cuộc đối đầu hạt nhân trong tương lai. “Đây là động thái rất nguy hiểm cho Na Uy và người dân Na Uy”, báo The Local của Na Uy dẫn lời ông Klintsevich cho biết.

“Chúng tôi nên xử lý tình huống này như thế nào? Chúng tôi chưa bao giờ đưa Na Uy vào danh sách các mục tiêu tấn công của các loại vũ khí chiến lược mà chúng tôi đang có. Nhưng nếu mọi việc vẫn diễn biến như vậy, thì người dân Na Uy sẽ phải gánh chịu hậu quả”, ông Klintsevich cảnh báo, đồng thời khẳng định Nga cần phải đối phó với những mối đe dọa về quân sự nhằm vào mình.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide đã lên tiếng phủ nhận những lời chỉ trích của Nga và khẳng định việc cho phép Mỹ triển khai quân tới khu vực Vaernes gần thành phố Trondheim, miền trung Na Uy, cách biên giới Na Uy - Nga ở vùng Bắc Cực khoảng 1.000 km, chỉ là một hoạt động thử nghiệm và kế hoạch này sẽ được xem xét lại hàng năm.

Trước đó, Thiếu tướng Niel Nelson, chỉ huy Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cho biết việc đưa hơn 300 lính tới Na Uy là cơ hội tốt để quân đội hai nước có thể tham gia huấn luyện cùng nhau.

Động thái trên của Mỹ và Na Uy được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ, châu Âu với Nga đang gặp nhiều căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Thành Đạt

Theo Dailymail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm