1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga cảnh báo mối đe dọa chiến tranh hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cho rằng chiến tranh hạt nhân là "không thể chấp nhận được", nhưng mối đe dọa về một cuộc xung đột như vậy vẫn tồn tại.

Nga cảnh báo mối đe dọa chiến tranh hạt nhân - 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat trong một vụ phóng thử ở Nga (Ảnh: Sputnik).

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga hôm 25/4, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga đã cố gắng thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái cam kết tuyên bố năm 1987 của các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô rằng, không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và một cuộc chiến như vậy không nên xảy ra.

Mặc dù chính quyền Trump từ chối đề nghị của Nga, nhưng người kế nhiệm ông, Tổng thống Joe Biden, đã "nhanh chóng" đồng ý với Moscow và tuyên bố về vấn đề này đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva vào tháng 6/2021. Trung Quốc, Pháp và Anh, 3 cường quốc hạt nhân còn lại, đồng thời là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng đã nhất trí và đưa ra tuyên bố chung vào tháng 1/2021.

"Đó là lập trường chính của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu từ lập trường đó. Tuy nhiên, nguy cơ của chiến tranh hạt nhân hiện nay vẫn rất lớn. Tôi không muốn chúng bị thổi phồng một cách giả tạo. Mối nguy hiểm là có thật và rất nghiêm trọng. Không thể đánh giá thấp điều đó", ông Lavrov nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Lavrov ca ngợi động thái chính sách đối ngoại đầu tiên của chính quyền Biden là "tốt và khôn ngoan", khi đồng ý với Nga rằng hiệp ước (cắt giảm vũ khí Nga - Mỹ) New START nên được gia hạn vô điều kiện trong 5 năm. Mặt khác, đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn tồn tại, sau khi Washington rút khỏi các hiệp ước ABM, INF và Bầu trời mở.

Theo Ngoại trưởng Nga, các cuộc thảo luận với các nhóm làm việc của Mỹ đã kết thúc đột ngột vào tháng 2, sau khi Nga "buộc phải bảo vệ công dân Nga ở Ukraine" - những người đã bị "ném bom suốt 8 năm mà không có bất kỳ phản ứng nào từ phương Tây".

Nhà ngoại giao Nga đã so sánh tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Khi đó, ông Lavrov nói rằng không có nhiều quy tắc "thành văn", nhưng có các quy tắc ứng xử ngầm rất rõ ràng để cả Washington và Moscow tuân theo.

"Trong những năm đó, có một kênh liên lạc mà các nhà lãnh đạo đều tin tưởng. Còn bây giờ không có kênh nào như vậy. Không ai cố gắng tạo ra kênh liên lạc đó", ông Lavrov nói thêm.

Thay cho các quy tắc ngầm trước đây, ông Lavrov nói rằng, ngày nay "quy tắc là thuật ngữ được Mỹ và các đồng minh sử dụng khi họ được yêu cầu phải hành xử phù hợp".

"Họ không còn nhấn mạnh vào luật pháp quốc tế, mà nhấn mạnh tôn trọng "trật tự thế giới dựa trên quy tắc", trong đó các "quy tắc" không bao giờ được giải thích cụ thể", ông Lavrov cho biết.

Theo Ngoại trưởng Nga, các nước hiện nay đều tuyên bố rằng không nên để Chiến tranh thế giới thứ 3 nổ ra, nhưng họ lại "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách đưa vũ khí tới Ukraine và hy vọng sẽ kéo dài cuộc xung đột để đối đầu với Nga.

Nga nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh chuyển vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine để đối phó chiến dịch quân sự của Moscow. Nga tuyên bố coi các lô vũ khí của phương Tây tại Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp.

Theo RT