Nga cảnh báo Anh "lĩnh hậu quả" nếu đưa tàu chiến đến gần Crimea lần nữa
(Dân trí) - Quan chức an ninh Nga cảnh báo Anh không đưa tàu chiến lại gần bán đảo Crimea thêm lần nào nữa, nếu không thủy thủ của họ sẽ phải gánh hậu quả.
Theo Reuters, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Mikhail Popov ngày 14/7 cảnh báo Anh nên tránh lặp lại vụ việc hồi tháng trước khi đưa tàu khu trục HMS Defender lại gần bán đảo Crimea.
"Các hành động tương tự sẽ bị Nga ngăn cản bằng các biện pháp quyết liệt nhất, bất kể bên vi phạm vì mục đích gì. Chúng tôi đề nghị các nước đối đầu với chúng tôi nên suy nghĩ kỹ về việc có đáng để có những hành động gây hấn như vậy với năng lực hiện nay của lực lượng vũ trang Nga hay không", ông Popov nói.
Quan chức này nói thêm: "Không phải các thành viên chính phủ, chính những thủy thủ trên tàu sẽ được sử dụng cho mục đích khiêu khích. Thủ tướng Johnson và Ngoại trưởng Raab sẽ nói gì với gia đình các thủy thủ, những người sẽ bị tổn thương vì những ý tưởng "vĩ đại" như vậy".
Căng thẳng giữa Nga và Anh leo thang sau vụ tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh đi vào vùng biển gần bán đảo Crimea hôm 23/6. Quân đội Nga cho biết, do tàu chiến Anh phớt lờ cảnh báo qua radio, nên các lực lượng của Nga buộc bắn cảnh cáo và thả bom phân mảnh trên đường đi của con tàu để buộc nó ra khỏi vùng biển của Nga.
Moscow cũng tuyên bố, nếu sự việc tương tự lặp lại, Nga sẽ ném bom trực tiếp vào mục tiêu thay vì chỉ thả bom trên đường đi của tàu đối phương. "Chúng tôi có thể yêu cầu họ hành xử đúng đắn và tôn trọng luật pháp quốc tế. Nếu điều đó không giúp ích được gì, chúng tôi có thể đánh bom, không chỉ trên tuyến đường đi mà ngay vào mục tiêu nếu họ không chấp hành", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói.
Trong khi đó, Anh bác bỏ cáo buộc của Nga. Giới chức Anh khẳng định, tàu HMS Defender không xâm phạm vùng biển của Nga và hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc quốc tế khi đi vào khu vực gần bán đảo Crimea.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 6/7 tuyên bố, các tàu chiến nước này sẽ tiếp tục sử dụng hải trình áp sát Crimea. "HMS Defender sử dụng tuyến đường thẳng và ngắn nhất. Đó là tuyến giao thông được quốc tế công nhận. Chúng tôi có quyền thực hiện những chuyến đi qua vô hại trên vùng biển Ukraine theo luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục làm điều đó", Ngoại trưởng Raab nói.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, các nước phương Tây không công nhận động thái này của Nga, thay vào đó ủng hộ Ukraine trong vấn đề Crimea. Các đồng minh NATO liên tục tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực, trong một động thái được cho là nhằm "nắn gân" Nga. Moscow gọi các hành động này của các nước phương Tây là mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga.