Nga "bật đèn xanh" đàm phán, nêu điều kiện chấm dứt xung đột
(Dân trí) - Nga đã nhận thấy thiện chí của chính quyền Mỹ liên quan đến việc đàm phán giải quyết xung đột Ukraine.

Lính Nga tham gia chiến dịch quân sự (Ảnh: Sputnik).
"Chúng tôi thấy thiện chí từ ban lãnh đạo mới của Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump. Thiện chí này đang được thể hiện thông qua các đại diện của Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich. Chúng ta hãy cùng xem. Nếu các đề xuất đàm phán là nghiêm túc và đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi, các cuộc đàm phán như vậy có thể bắt đầu trong tương lai gần", ông Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, nói hôm 15/2.
Ông Slutsky nhấn mạnh "Nga đã, đang và sẽ sẵn sàng đàm phán", bao gồm các cuộc thảo luận với chính quyền Ukraine, nếu họ là đại diện hợp pháp sẵn sàng xem xét các điều kiện của Nga.
Ông Slutsky nhắc lại rằng, lập trường của Nga trong việc giải quyết xung đột vẫn "kiên định": phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và tình trạng không liên kết của Ukraine. Ông nhấn mạnh việc giải quyết bất kỳ cuộc xung đột nào cũng phải diễn ra tại bàn đàm phán.
Ông Slutsky tuyên bố sẵn sàng tham gia vào một phái đoàn đàm phán tiềm năng nếu Tổng thống Vladimir Putin chỉ thị cho ông làm như vậy.
"Tất cả quyết định cơ bản liên quan đến thành phần của phái đoàn đàm phán và tất cả các chi tiết khác sẽ do Tổng thống Nga đưa ra. Nếu chúng tôi được chỉ thị, chúng tôi sẽ hành động theo chỉ thị", ông Slutsky cho biết.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 10/2 cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán về cuộc xung đột Ukraine để bảo đảm lợi ích hợp pháp của mình, nhưng không gây tổn hại đến lợi ích của những nước khác.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, chỉ có việc "loại bỏ hoàn toàn và không thể đảo ngược các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột" mới có thể mở đường cho việc chấm dứt xung đột.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhiều lần nêu ra các điều kiện để chấm dứt chiến sự và các bước này là "những gì cần làm để chấm dứt giao tranh".
Vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Putin đã đưa ra một danh sách các điều kiện để bắt đầu đàm phán ngay lập tức với Kiev, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk (còn gọi là Donbass), cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia. Ngoài ra, Ukraine cũng phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Tổng thống Putin nhấn mạnh bất kỳ giải pháp tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev chắc chắn sẽ phải tính đến lợi ích an ninh của Nga, thừa nhận thực tế lãnh thổ mới và "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".
Theo các quan chức Nga, để khởi động các cuộc đàm phán, cần phải giải quyết các khía cạnh pháp lý về tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sắc lệnh do ông Zelensky đưa ra về việc cấm Kiev đàm phán với Moscow.
Nga tuyên bố ông Zelensky không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine vì nhiệm kỳ của ông đã kết thúc từ năm ngoái.
Năm 2022, ông Zelensky từng ký sắc lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Putin. Nga cho rằng Ukraine phải xóa bỏ sắc lệnh này trước khi bắt đầu tiến trình đàm phán.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu phát triển chiến lược giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Trump đã thực hiện hai cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine trong tuần này, đồng thời cho biết ông và đội ngũ đã đạt được tiến triển đáng kể trong quá trình đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Zelensky hôm 15/2 cho biết Ukraine đã bắt đầu làm việc với đội ngũ của Tổng thống Trump và cảm thấy rằng "thành công là điều có thể đạt được".
"Hiện tại, thế giới đang hướng tới Mỹ như một cường quốc có khả năng không chỉ ngăn chặn chiến tranh mà còn giúp đảm bảo sự tin cậy của nền hòa bình sau đó", ông Zelensky nói.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, nhất trí thể hiện thiện chí "hợp tác" về vấn đề Ukraine và nỗ lực khôi phục đối thoại. Hai bên đều bày tỏ "mong muốn chung về sự hợp tác trong các vấn đề quốc tế quan trọng, bao gồm việc giải quyết xung đột Ukraine".