1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bào mòn binh lực, bóp nghẹt phòng tuyến Ukraine bên bờ sụp đổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine đang đối mặt với thách thức lớn khi Nga tiến công nhanh chóng và kiểm soát hàng loạt vùng lãnh thổ trong những tuần qua.

Nga bào mòn binh lực, bóp nghẹt phòng tuyến Ukraine bên bờ sụp đổ - 1

Tân binh Ukraine diễn tập ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Với tiến độ tuy chậm nhưng không ngừng nghỉ, quân đội Nga đã tiến quân tại nhiều điểm dọc theo mặt trận giao tranh ở Ukraine trong nhiều tuần qua, kiểm soát dần từng ngôi làng.

Theo hãng tin AFP, thực trạng này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng của Ukraine trong việc ngăn chặn làn sóng tấn công, chứ chưa nói đến việc đẩy lùi lực lượng Nga đang tiến công.

Theo phân tích của AFP dựa trên dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, quân đội Nga đã kiểm soát 478km2 lãnh thổ Ukraine kể từ đầu tháng 10, mức kiểm soát lãnh thổ hàng tháng lớn nhất kể từ những tuần đầu tiên của cuộc xung đột vào tháng 2/2022.

"Nga đã duy trì thế tấn công trong suốt một năm. Tuy nhiên, tuần qua là một trong những tuần khó khăn - nếu không muốn nói là khó khăn nhất - đối với lực lượng vũ trang Ukraine trong một năm qua", trang tin Meduza bình luận.

Dữ liệu của ISW không chỉ ra sự sụp đổ của quân đội Ukraine theo bất kỳ cách nào, "nhưng điều đáng lo ngại nhất là xu hướng này đang diễn ra", cựu đại tá quân đội Pháp Michel Goya, một nhà sử học chiến tranh, cho biết.

"Chúng ta đã chứng kiến quá trình này diễn ra nhanh hơn và dường như không thể dừng lại", ông Goya nói thêm, đồng thời mô tả "chiến lược gây sức ép của Nga ở mọi nơi, mọi lúc, trong khi chờ đợi tuyến phòng thủ của Ukraine rạn nứt, vỡ vụn hoặc sụp đổ".

Hầu như mỗi ngày, Moscow lại tuyên bố một bước tiến mới.

"Không có địa điểm nào, riêng lẻ, có tầm quan trọng lớn, nhưng khi kết hợp lại, chúng cho thấy bước tiến lớn đối với quân đội Nga. Đà tiến công của Nga, mặc dù không nhanh chóng, nhưng cho thấy tình hình ở Ukraine ngày càng xấu đi", Alexander Khramchikhin, một nhà phân tích quân sự Nga tại Moscow, nhận định.

Kể từ khi xung đột nổ ra, Nga đã duy trì ưu thế về pháo binh, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Ngành công nghiệp quân sự của Nga sản xuất nhiều vũ khí hơn những gì Ukraine nhận được", chuyên gia Khramchikhin nói, đồng thời cho rằng Nga đã nhận được sự hỗ trợ từ các nước khác.

Theo chuyên gia Goya, đầu năm nay, việc Quốc hội Mỹ đóng băng một gói viện trợ trị giá hàng tỷ USD đã làm chậm đáng kể nguồn cung vũ khí cho Ukraine, trong khi 3 triệu quả đạn pháo của Triều Tiên được cho là đã đến các kho của Nga. Nga cũng đã phát triển một hệ thống dẫn đường cho bom và sử dụng "hàng nghìn quả".

Thay vì kiểm soát từng thị trấn, quân đội Nga đã sử dụng chiến thuật bóp nghẹt.

"Nguyên tắc là đe dọa bao vây các nhóm quân, sau đó buộc họ phải rút lui", chuyên gia Goya nói.

Alexander Kots, một nhà báo chiến tranh của báo Nga Komsomolskaya Pravda, lực lượng Moscow không tấn công trực diện vào các thị trấn và làng mạc, mà sẽ giành từng mét vuông đường, từng ngôi nhà. Như vậy, lực lượng Ukraine buộc phải rút lui dọc theo một hành lang dài dễ trúng hỏa lực.

Dần dần, bước tiến của Nga đã làm suy yếu tinh thần của người Ukraine. Kiev đang phải vật lộn để tuyển quân, trong khi nhiều binh lính đã đào ngũ và từ chối chiến đấu.

"Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong bối cảnh phải đối mặt với sự mệt mỏi của dân thường vì chiến tranh, đang phải vật lộn để huy động quân", một chỉ huy quân sự Pháp cho biết.

Ngày 29/10, Ukraine đã công bố một chiến dịch huy động quân mới nhằm tuyển thêm 160.000 người do lo ngại Triều Tiên đưa quân tới hỗ trợ Nga.

Chuyên gia Ivan Klyszcz tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế (ICDS) ở Estonia, cho biết với tốc độ tiến công hiện tại, Nga "sẽ hoàn thành việc kiểm soát phần còn lại của khu vực Donbass ở Ukraine sau vài tháng và với cái giá cực kỳ đắt đỏ".

Trong khi đó, phương Tây vẫn do dự. Mặc dù "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Zelensky được cho là sẽ đưa Ukraine vào vị thế mạnh hơn trên bàn đàm phán, nhưng lại gây chia rẽ giữa các đồng minh, trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tiềm ẩn yếu tố bất ổn.

"Có vẻ như Ukraine sẽ sớm nhận ra rằng họ cần phải thay đổi hướng đi và việc dựa vào các đối tác phương Tây sẽ trở thành một chiến lược phản tác dụng trong tương lai gần", chuyên gia Klyszcz nhận định.

Theo AFP