1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

New Zealand: Trung Quốc phải giải thích chuyện xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc cần giải thích về hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, nếu không nước này sẽ tiếp tục gây mất ổn định giữa các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại tự do, trong đó có cả các quốc gia nhỏ hơn cách xa đó nhiều dặm, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee lên tiếng mạnh mẽ bên lề Đối thoại Shangri-La.


Trung Quốc đang ồ ạt xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, bất chấp sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế (Ảnh: CSIS)

Trung Quốc đang ồ ạt xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, bất chấp sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế (Ảnh: CSIS)

“Điều chúng tôi đang muốn biết từ Trung Quốc là hiểu hơn về điều mà Trung Quốc đang làm”, ông Brownlee nói, liên hệ tới các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp mà giờ tổng diện tích đã vượt trên 1.200 ha.

“Một khu vực hòa bình, các tuyến đường biển và vùng trời mở là điều đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế của cả thế giới”, Bộ trưởng New Zealand nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn ngày 3/6 bên lề Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực đang diễn ra tại Singapore.

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á, diễn ra từ 3-5/6 tại Singapore.

Diễn đàn lần thứ 15 năm nay quy tụ bộ trưởng quốc phòng cũng như các tướng lĩnh quân đội của hơn 30 quốc gia trong khu vực, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter; Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian; Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee...

Trưởng đoàn Việt Nam tại Shangri-La 2016 là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Các vấn đề chính dự kiến được thảo luận tại diễn đàn là căng thẳng ở Biển Đông, chủ nghĩa khủng bố thánh chiến tại châu Á, các hành động quân sự của Triều Tiên và an ninh mạng.

Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc, cùng với tuyên bố đơn phương hơn 80% diện tích Biển Đông, đã gây lo ngại cho các quốc gia vốn phụ thuộc vào thương mại hàng hải qua khu vực. Bắc Kinh bao biện rằng lý do chính của việc xây đảo nhân tạo là phục vụ các mục đích dân sự như tìm kiếm và cứu hộ hàng hải.

Trung Quốc hành động mâu thuẫn với lời nói

Bộ trưởng Brownlee cho hay các hành động của Trung Quốc mâu thuẫn với khẳng định của nước này là mục đích chính của việc xây đảo nhân tạo phục vụ hòa bình. Ông nói, có lo ngại rằng Trung Quốc có thể biến thêm các bãi ngầm thành các đảo nhân tạo, và rồi sau đó tuyên bố chủ quyền hoặc thậm chí các vùng đặc quyền kinh tế quanh đó.

“Tại khu vực đó, sự quá gần nhau giữa các nước đồng nghĩa với việc đó là một tình huống rất khó giải quyết”, ông Brownlee nói. Khoảng 80% thương mại hàng năm của New Zealand đi qua Biển Đông.

Tại Shangri-La hồi năm ngoái, ông Brownlee cho hay một vị tướng của Trung Quốc đã nói với ông rằng căng thẳng ở Biển Đông không phải là một vấn đề đối với New Zealand. “Và tôi trả lời rằng, từ quan điểm của một quốc gia nhỏ hơn, chúng tôi có những lo ngại đó và tôi đã vạch ra chúng”.

Theo ông Brownlee, nhìn rộng hơn, quy mô cải tạo đất của Trung Quốc gây ra “một tình huống hoàn toàn mới trong việc áp dụng bất kỳ các luật biển, luật lãnh thổ cụ thể nào. Đó là một lo ngại, vì không có cá luật cụ thể cho tình huống đó”.

Máy bay trinh sát

Bộ trưởng Brownlee cũng nhận định rằng Trung Quốc không muốn xảy ra xung đột ở Biển Đông. New Zealand thường xuyên điều máy bay trinh sát qua Biển Đông và các máy bay này chưa từng bị Trung Quốc cản trở trực tiếp hoặc bị yêu cầu rời khu vực, ông Brownlee cho hay.

Trong khi đó, các máy bay và tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần bị Trung Quốc yêu cầu rời khỏi khu vực.

Bộ trưởng Brownlee cũng cho rằng việc thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, cả 3 ứng viên tổng thống Mỹ hiện thời đều đều phản đối TPP, vốn cũng cần quốc hội thông qua.

Theo ông Brownlee, sẽ là đáng tiếc nếu TPP không được Mỹ thông qua và nếu vậy thì điều đó có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

An Bình

Theo Bloomberg