1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nền hòa bình bị trì hoãn

(Dân trí) - Bàn cờ Trung Đông thêm một lần nữa bị đảo lộn bởi những động thái gần đây của các nước lớn. Với Mỹ và đồng minh, trong đó có cả những nhóm đối lập mà họ gọi là “ôn hòa” tại Syria, việc Nga can dự vào chiến trường Syria khiến họ như nằm trên đống lửa, khi các căn cứ và trang thiết bị vũ khí của phe đối lập hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của tên lửa Nga.

 


Lãnh đạo Nga, Mỹ vẫn bất đồng về Syria (Ảnh: businessinsider)

Lãnh đạo Nga, Mỹ vẫn bất đồng về Syria (Ảnh: businessinsider)

Hành động quyết đoán của Mátxcơva  khiến cho cuộc chiến “không thể thắng” của phe đối lập suốt 4 năm qua sẽ tiếp tục kéo dài khi mà Tổng thống Bashar al-Assad đang được chống lưng mạnh hơn bao giờ hết.

Nhưng với Tổng thống Assad và các đồng minh Iran, sự xuất hiện của hỏa lực Nga trên lãnh thổ Syria như một “món quà” đối với lực lượng mặt đất đã khá mệt mỏi của họ, đồng thời là cơ hội giành lại lãnh thổ đã mất và đè bẹp tất cả các lực lượng nổi dậy “tép riu”, trừ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và Mặt trận al-Nusra (chi nhánh của al-Qaeda tại Syria).

Nhưng hệ quả với Syria và Trung Đông còn nhiều hơn thế, bởi tình hình khu vực trong thời gian tới sẽ như “mớ bòng bong” khi các bên đều muốn nỗ lực hiện thực hóa các tính toán chiến lược của mình.

Hai liên minh đối trọng

Mối quan ngại trước mắt của Mỹ là khả năng xảy ra đụng độ với không quân và tên lửa Nga khi hai nước đang đồng thời triển khai các chiến dịch không kích, mà họ tuyên bố là nhắm vào IS trên lãnh thổ  Syria. Để tránh xảy ra kịch bản “không ai muốn”, cần có sự phối hợp và lên kế hoạch cẩn thận của cả hai bên. Do vậy, ngay trong ngày đầu tiên Nga khởi động chiến dịch, Mỹ đã thông báo cho Không quân nước này “dọn quang bầu trời” để chiến đấu cơ Nga thực hiện các cuộc không kích.

Nhưng ở cách đó không xa, từ căn cứ không quân al-Udaid tại Qatar, Mỹ đã theo dõi sát mọi động thái của Nga. Đây cũng là nơi Mỹ vận hành một bộ máy quân sự để xác định và triển khai không kích các mục tiêu của IS ở Syria và Iraq trong khuôn khổ liên minh quốc tế do Washington dẫn đầu.

Nhưng Mátxcơva không chỉ tiến hành không kích. Đầu tháng này, Nga đã phối hợp với Iran, Iraq và Syria thành lập trung tâm thông tin chung ở Baghdad để điều phối các hoạt động chung chống IS. Đây là trục liên minh chống lưng cho chính quyền Tổng thống Assad, với quyết tâm sẽ đánh bại âm mưu lật đổ của Mỹ và phe đối lập ở Syria. Trong bối cảnh đó, Mỹ không thể không cân nhắc lại chiến thuật của mình, nhất là trong việc đào tạo quân sự cho phe nổi dậy ở Syria. Bằng chứng là ngày 9/10, tờ New York Times dẫn nguồn tin cấp cao từ Lầu Năm Góc cho hay cơ quan này đã ngừng chương trình huấn luyện và trang bị quân sự cho phe nổi dậy có tổng trị giá 500 triệu USD. Rõ ràng, Mỹ không muốn mạo hiểm sau khi Nga đã chính thức ra tay và vì thế, mọi nỗ lực nhằm thay đổi chế độ ở Syria đều phải tạm gác lại.

Theo các nguồn tin giấu tên trong khu vực, Nga, Iran, Iraq và Syria đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo phục vụ cho các chiến dịch chống IS. Nga cũng tỏ ý sẵn sàng cân nhắc mở rộng không kích sang lãnh thổ Iraq nếu nhận được đề nghị của Baghdad.

Cuộc chạy đua vũ trang

Trước những diễn biến mới xảy ra quá chóng vánh, hai đồng minh của Mỹ là Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ không thể ngồi yên. Từ lâu, Riyadh và Ankara vẫn khẳng địnhlối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria là Tổng thống Assad phải ra đi.

Bởi vậy, ngay sau khi Nga “động binh”, Arập Xêút lập tức tuyên bố sẽ gia tăng viện trợ cho phiến quân Syria. Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra tuyên bố công khai, song cũng đang toan tính các bước đi chiến lược. Giới phân tích lo ngại sẽ xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang cho các phe phái khác nhau trong khu vực. Tệ hơn là sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa một bên là Nga và Iran, với bên kia là Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những lo ngại này không phải không có cơ sở khi Arập Xêút từng bày tỏ sẵn sàng tham gia các cuộc tấn công của Mỹ tại Syria sau khi xuất hiện các cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân. Ngòi nổ chiến tranh khi đó chỉ được “tháo gỡ” sau khi Nga đưa ra đề xuất chuyển toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria ra nước ngoài tiêu hủy.

Và nền hòa bình bị trì hoãn

Trong trường hợp xảy ra chạy đua vũ trang, Syria sẽ biến thành chiến trường để các thế lực tranh giành ảnh hưởng. Ý đồ các bên can dự vào Syria đã khá rõ.

Nga có thể sẽ xuất khẩu sang nước này mô hình nước cộng hòa tự trị Apkhazia, tức một nhà nước thân Nga độc lập. Về phần mình, Iran muốn duy trì ảnh hưởng trên vành đai kéo dài từ Baghdad, Damascus tới Liban do dòng Hồi giáo Shiite chi phối.

Trong khi đó, với mối thù tôn giáo truyền kiếp, người Sunni, mà đại diện là Arập Xêút, sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” Iran thực hiện thành công ý đồ này. Với Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy. Mối lo về một khu vực tự trị của người Kurd trên biên giới với Syria là động lực chính để nước này càng thêm quyết tâm loại bỏ chế độ của Tổng thống Assad.

Trên thực tế, lãnh thổ Syria đã bị “chia năm, xẻ bảy”, mỗi khu vực nằm dưới sự quản lý của một lực lượng khác nhau. Sự can thiệp ngày càng tăng của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút sẽ chỉ càng làm cho tình hình chia cắt thêm trầm trọng, biến Syria thành bốn lãnh địa riêng.

Giới phân tích nhận định, trong những tháng tới, các thế lực bảo trợ cho các lực lượng cát cứ sẽ tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình để gia tăng lợi thế trong đàm phán tìm giải pháp cho cuộc xung đột Syria. Nền hòa bình vốn đã xa rời ở Syria sẽ phải cần thêm chặng đường rất dài nữa mới có thể đạt được. Và chừng nào không có những thay đổi mang tính đột biến, nền hòa bình này vẫn chỉ là một điều xa vời, đúng như nhận định gần đây của Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) Anwar Gargash: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc xung đột kéo dài, có thể tới cả một thế hệ”.

Vũ Anh