1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO xét lại chiến lược với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ họp tại Brussels vào tuần tới để bắt đầu xem xét lại chiến lược với Nga kéo dài hàng thập niên qua.

NATO xét lại chiến lược với Nga - 1

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận ở Ba Lan (Ảnh minh họa: AFP).

Politico dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, các nước NATO đang cố gắng đưa ra những yếu tố khác nhau của chiến lược đối với Nga và thúc đẩy các cuộc tranh luận trong liên minh để quyết định tương lai của Thỏa thuận Sáng lập quan hệ Nga - NATO.

Vị quan chức này cho rằng, đã đến lúc NATO phải xây dựng một chiến lược mới dựa trên lập trường cụ thể của các quốc gia thành viên.

Mặc dù mối quan hệ giữa NATO và Nga đã chạm đáy sau khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Thỏa thuận Sáng lập quan hệ Nga - NATO năm 1997 (Founding Act) vẫn có hiệu lực. 

Báo Politico viết, thỏa thuận năm 1997 nêu rõ NATO và Nga có chung mục tiêu là xây dựng một châu Âu ổn định, hòa bình và không chia rẽ. Tuy nhiên, điều này lại không phản ánh đúng tình hình hiện tại.

Trong hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào tháng 7, NATO đã coi Moscow là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các nước đồng minh", trong khi Nga tiếp tục khẳng định sự mở rộng về phía đông của NATO là "mối nguy hiểm hiện hữu" với Nga.

NATO đã có các cuộc thảo luận cấp thấp hơn về chính sách mới với Nga trong nhiều tháng, và tuần tới vấn đề này sẽ được giải quyết ở cấp bộ trưởng.

NATO trước đó thông báo, họ có kế hoạch xây dựng một chiến lược mới trước hội nghị thượng đỉnh tại The Hague, sẽ được tổ chức vào mùa hè năm sau.

Quan chức Mỹ mô tả chiến lược này là một "cuộc diễn tập chính trị", đồng thời hi vọng rằng tác động về mặt quân sự của chiến lược sẽ được hạn chế.

Theo Politico, có những khác biệt giữa các thành viên khi đề cập đến chính sách mới đối với Moscow, vì một số quốc gia lo ngại rằng một tín hiệu quá cứng rắn có thể chọc giận Nga. Cũng có những câu hỏi về quan điểm của các quốc gia như Hungary và Slovakia, khi họ thấy giá trị chiến lược trong việc hợp tác với Moscow. 

Đầu tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cho biết NATO không còn che giấu sự thật rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Moscow. Ông chia sẻ thêm, các phương án khả thi nhằm chống lại Nga đang liên tục được đưa ra trong khối, ngân sách quân sự tăng và các nền kinh tế phương Tây đang được quân sự hóa.  

Ông Grushko nhấn mạnh không phải Nga mà là NATO đã đi theo con đường đối đầu bằng cách từ chối tham gia đối thoại. Vì lý do này, ông cho rằng NATO phải chịu toàn bộ trách nhiệm về cuộc khủng hoảng an ninh lớn của châu Âu do xung đột Ukraine.

Theo RT