1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga: Phương Tây muốn Ukraine nhượng lãnh thổ để được vào NATO

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga cho rằng, phương Tây dường như muốn kết nạp Ukraine vào NATO nhưng Kiev sẽ phải chấp nhận trở thành một phần của liên minh mà không giành lại được lãnh thổ từ Moscow.

Nga: Phương Tây muốn Ukraine nhượng lãnh thổ để được vào NATO - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: Sputnik).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, có vẻ như phương Tây đã chấp nhận thực tế rằng Ukraine đã mất đi lãnh thổ và khối này hy vọng sẽ kết nạp Kiev vào NATO trong tương lai gần.

Bà Zakharova nhắc tới bài trả lời phỏng vấn của cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với Financial Times. Ông nói rằng, để đổi lấy việc gia nhập NATO, Ukraine có thể phải từ bỏ các vùng lãnh thổ đã mất trong cuộc xung đột với Nga.

"Đằng sau tất cả những suy đoán này, chúng ta có thể thấy xu hướng thảo luận của phương Tây về khả năng cấp tư cách thành viên NATO cho Ukraine trong tương lai gần. Một ý tưởng tương tự đã được cựu thủ tướng Anh, Boris Johnson, đưa ra gần đây. Bây giờ, như chúng ta có thể thấy, ông Stoltenberg cũng đồng tình với quan điểm này.

Rõ ràng, Washington, London và NATO đang hoài nghi về tiềm năng của lực lượng vũ trang Ukraine và trên thực tế, đang xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để tránh sự sụp đổ về mặt quân sự và chính trị của Ukraine, nơi mà họ đã đầu tư rất nhiều", bà Zakharova nêu ra nghi vấn.

Tuy nhiên, theo bà, phương Tây đã quên mất rằng một trong những lý do chính mà xung đột Nga - Ukraine bùng phát chính là việc Kiev muốn gia nhập vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, động thái mà Moscow cho rằng đe dọa tới an ninh của họ.

Bà cũng cáo buộc Ukraine đã vi phạm nghiêm trọng quyền của những người dân nói tiếng Nga và nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhấn mạnh đây là những yếu tố khiến Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt.

"Nếu không loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này, thì đơn giản là 2 bên không thể đạt được giải pháp công bằng, như giới lãnh đạo Nga đã nhiều lần nói", bà Zakharova nói.

Bà nhấn mạnh, để đạt được hòa bình bền vững và lâu dài, Ukraine phải có vị thế trung lập, xóa bỏ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và bãi bỏ mọi đạo luật phân biệt đối xử với cộng đồng người nói tiếng Nga.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 9/10 cho rằng, Ukraine không thể thắng trong cuộc chiến với Nga trên chiến trường. Ông đồng thời kêu gọi các bên cần phải đối thoại và ngừng bắn để cứu mạng sống của con người.

Ngoài ra, ông Orban cho biết, nếu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump đắc cử vào tháng tới, tỷ phú này sẽ không đợi đến khi nhậm chức mà sẽ bắt đầu hành động ngay vì mục tiêu hòa bình ở Ukraine.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga cho biết nước này quyết định hoãn việc thông qua một thỏa thuận liên quan đến khoản vay khẩn cấp trị giá 50 tỷ USD dành cho Ukraine, vốn được G7 nhất trí hồi tháng 6 và Liên minh châu Âu (EU) tham gia hỗ trợ.

Ông Varga cho hay Hungary muốn chờ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 mới đưa ra quyết định cuối cùng.

"Chúng tôi không muốn ngăn cản bất cứ điều gì, chúng tôi chỉ muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu thay đổi chiến lược (về Ukraine) vì chiến lược hiện tại không hiệu quả", ông Orban giải thích.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha hồi đầu tháng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đòi hỏi trách nhiệm đầy đủ của Nga và "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, bao gồm cả Crimea", thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp về lãnh thổ.

Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.

Theo Tass, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine