Nạn nhân vụ khủng bố 11/9 nhớ lại khoảnh khắc bị "thiêu sống"
(Dân trí) - Lauren Manning vẫn không thể quên những ký ức kinh hoàng về vụ khủng bố cách đây 20 năm, khi cô bị bỏng nặng và tưởng rằng sẽ không qua khỏi.
20 năm trôi qua sau vụ khủng bố kinh hoàng vào ngày 11/9 tại Mỹ, tuy nhiên ký ức về thảm kịch này vẫn còn mãi trong tâm trí của những người may mắn sống sót. Gần 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Là một trong những người bị thương nặng nhất còn may mắn sống sót, Lauren Manning, bị bỏng hơn 80% cơ thể.
"Theo bất kỳ tiêu chuẩn y tế nào, đáng lẽ tôi đã chết rồi", Lauren nói với Sky News.
Khi Lauren vừa bước vào tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, chiếc máy bay đầu tiên bị không tặc chiếm giữ đã lao vào tòa nhà, tạo thành một quả cầu lửa rơi thẳng xuống sảnh.
"Có tiếng động vô cùng lớn, xé toạc không gian, gầm rít và ngay sau đó tôi như chìm trong biển lửa", Lauren nhớ lại.
"Nỗi đau khốn cùng, nghiền nát, càng lúc càng thấm sâu vào cơ thể tôi. Tôi đã bị thiêu sống. Không có từ nào để mô tả cảm giác đó", Lauren cho biết thêm.
Trong khi chiến đấu với ngọn lửa, Lauren đã tìm cách chạy ra ngoài, băng qua một con đường trước khi ngã và lăn xuống bãi cỏ. Sau đó, một người đàn ông đã tới giúp cô.
"Tôi đã không gục ngã và chết trong đống lửa. Tôi đã chiến đấu với chúng. Tôi đã hét lên với ông ấy: "Hãy đưa tôi ra khỏi đây!"", Lauren nói.
Khi đang nằm xuống do bị thương nặng, Lauren kinh hoàng nhìn thấy những kẻ khủng bố lao chiếc máy bay thứ hai vào tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới.
Cô nhìn thấy nhiều người rơi xuống từ các tòa nhà chọc trời. Cô biết rằng các đồng nghiệp của mình tại công ty tài chính Cantor Fitzgerald vẫn bị mắc kẹt ở các tầng trên cao. Toàn bộ 658 nhân viên của công ty đều thiệt mạng vào ngày hôm đó.
Nằm trên mặt đất, Lauren, người trước đó từng thoát khỏi vụ đánh bom năm 1993 ở Trung tâm Thương mại Thế giới, đã vật lộn để tìm xe cứu thương. Cơ hội sống sót của cô khi đó rất mong manh.
"Các vết bỏng quá lớn. Cơ thể tôi bị bỏng 82,5%, hầu hết là bỏng độ 3. Hơn 20% là độ 4 hoặc độ 5, đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị mất cơ hoặc xương, vì vậy cần phải cắt cụt nhiều ngón tay trên cả hai bàn tay", Lauren cho biết.
Lauren được đưa đến bệnh viện trước khi rơi vào tình trạng hôn mê và được chuyển đến một trung tâm chuyên khoa bỏng. Hơn 3 tháng khi Lauren hôn mê, Greg, chồng cô, vẫn đọc thơ và chơi những bản nhạc từ ngày họ còn hẹn hò cho vợ nghe.
Vài ngày sau khi Lauren tỉnh dậy sau cơn hôn mê, cậu con trai Tyler một tuổi của cô đã đến thăm mẹ lần đầu tiên kể từ sau vụ khủng bố.
"Tôi đã rất sợ rằng thằng bé sẽ không nhận ra tôi. Ban đầu thằng bé không nhận ra, nhưng sau đó đã quay lại phía tôi và nhận ra tôi, tôi đoán là qua ánh mắt và giọng nói. Đó là tất cả những gì tôi cần", Lauren nhớ lại.
Lauren đã trải qua hơn 6 tháng trong bệnh viện nhưng quá trình hồi phục của cô, trong đó có một số ca phẫu thuật, đã kéo dài gần 10 năm.
"Bị bỏng có lẽ là hình thức tra tấn dã man nhất của con người và phải mất nhiều năm để hồi phục", Lauren cho biết.
Lauren vẫn giữ số liên lạc điện thoại của nhiều đồng nghiệp qua đời vào ngày 11/9/2001. Dù đã hồi phục, song nỗi sợ về những vụ giết người, khủng bố và cái chết vẫn mãi in sâu trong tâm trí người phụ nữ này.