Nạn nhân buôn người kể về ký ức kinh hoàng tại hang ổ lừa đảo ở Myanmar
(Dân trí) - Các tổ chức tội phạm ở biên giới Myanmar - Thái Lan thường dụ dỗ các nạn nhân bằng lời hứa "việc nhẹ, lương cao" để rồi ép họ tham gia vào đường dây lừa đảo trực tuyến xuyên quốc gia.
![Nạn nhân buôn người kể về ký ức kinh hoàng tại hang ổ lừa đảo ở Myanmar - 1 Nạn nhân buôn người kể về ký ức kinh hoàng tại hang ổ lừa đảo ở Myanmar - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/4h83j1lbHBglEncjgqFw0P_eHNk=/thumb_w/1020/2025/02/15/2a1de28848dfb102790dd1ab1cb15469a1126abd324e7d4b26fd2458a6f24b78-1739589191565.jpg)
Một nạn nhân được giải cứu khỏi hang ổ lừa đảo tại Myanmar trên đường về Thái Lan (Ảnh: ST).
Tại một hang ổ lừa đảo trực tuyến ở Myanmar, nữ lao động người Philippines, Pieta, chỉ có thời hạn vài ngày để quyến rũ những người lạ trên mạng internet và lừa họ đầu tư vào một doanh nghiệp giả mạo. Nếu nhiệm vụ thất bại, cô sẽ bị đánh đập hoặc tra tấn bằng cách chích điện.
Pieta là một trong 260 người - nhiều người có dấu vết thương tích hoặc bầm tím rõ ràng - được giải cứu khỏi một hang ổ lừa đảo dọc biên giới Myanmar trong tuần này và được bàn giao cho Thái Lan, sau một loạt cuộc truy quét các hoạt động lừa đảo.
Các trung tâm lừa đảo đã mọc lên như nấm ở các khu vực biên giới Myanmar - Thái Lan, do người nước ngoài vận hành. Các nạn nhân trong các khu vực này thường bị buôn bán và ép buộc làm việc để lừa đảo mọi người trên khắp thế giới trong một ngành công nghiệp mà các chuyên gia ước tính trị giá hàng tỷ USD.
Pieta ban đầu nghĩ rằng mình đã nhận được một công việc ở Thái Lan với mức lương 1.500 USD/tháng khi rời Philippines vào 6 tháng trước.
Thay vào đó, cô bị buộc phải làm việc theo ca kéo dài với mức lương bằng 0 tại khu trại ở Kyauk Khet, một ngôi làng ở bang Karen của Myanmar. Nhiệm vụ của những người trong trại là chuyên lừa đảo người dân ở châu Âu và họ sống trong nỗi sợ hãi thường trực về các hình phạt dã man.
"Nếu chúng tôi không đạt chỉ tiêu, chúng tôi sẽ bị đánh đập hoặc bị chích điện", cô nói với AFP từ một cơ sở tạm giữ ở Phop Phra, cách Mae Sot, Thái Lan khoảng 30km, sau khi được giải cứu vào ngày 12/2.
"Tôi chỉ muốn khóc. Chúa ơi. Tôi rất hạnh phúc... vì đã rời khỏi nơi đó", cô nói, đồng thời tiết lộ rằng cô từng bị phạt ngồi xổm rồi đứng lên tới 1.000 lần.
260 công dân nước ngoài - trong số hàng nghìn người bị dụ dỗ vào các trung tâm lừa đảo khét tiếng này với lời hứa về công việc lương cao trước khi bị giam giữ - đến từ hơn 10 quốc gia, bao gồm Ethiopia, Brazil và Nepal.
AFP đã phỏng vấn một số nạn nhân với điều kiện giấu danh tính. Nhiều người mang dấu vết bạo hành, bao gồm một phụ nữ bị bầm tím nghiêm trọng ở tay và đùi trái, nói rằng cô đã bị chích điện.
Liu, một trong 10 công dân Trung Quốc được giải cứu, mô tả những hình phạt kinh hoàng mà các ông chủ Trung Quốc đã thực hiện.
Anh kể rằng mình đã chứng kiến một người lao động bị chà mặt xuống một tấm lưới kim loại trên sàn. "Nhiều người đã bị đánh đến chết, cảnh tượng rất đẫm máu", anh nói.
Các trung tâm lừa đảo đã phát triển mạnh trên khắp Đông Nam Á trong những năm gần đây, bao gồm cả ở Philippines, nơi cảnh sát tuần này đã giải cứu 34 người Indonesia khỏi một khu trại ở Manila.
Tại đó, các phần tử đứng đầu người Trung Quốc bị cáo buộc đã tịch thu hộ chiếu của họ và thông báo rằng họ sẽ bị chuyển đến một địa điểm mới ở Campuchia.
Ông Gilberto Cruz, thuộc Ủy ban chống tội phạm có tổ chức của Philippines, nói với AFP vào ngày 14/2 rằng khoảng 21.000 công dân Trung Quốc, từng làm việc cho các trung tâm đánh bạc trực tuyến hiện đã bị cấm, vẫn đang vận hành các hoạt động lừa đảo quy mô nhỏ hơn ở nước này.
Quan chức Thái Lan cho biết trung tâm ở Kyauk Khet do người Trung Quốc điều hành, lần đầu xuất hiện bên kia sông Moei vào năm 2019.
Các nạn nhân thường bị lừa đến Thái Lan với lời hứa "việc nhẹ, lương cao" rồi bị đưa đến khu vực biên giới tới Myanmar và ép buộc phải tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Lợi dụng tình hình chính trị bất ổn ở Myanmar, các nhóm tội phạm đã phát triển hệ thống hang ổ lừa đảo trong những năm qua.
Tuy nhiên, theo ông Thatchai Pitaneelaboot, một quan chức cấp cao của cảnh sát Thái Lan, vẫn có một số trường hợp tự nguyện đến làm việc tại các trung tâm lừa đảo này dù biết mình sẽ phải làm gì.
Mặc dù vậy, với những người đồng ý làm công việc lừa đảo, họ có thể không lường trước được những gì thực sự đang chờ đợi họ phía trước như các hình phạt và tra tấn dã man.
Kokeb, một công nhân Ethiopia, cho biết anh và đồng nghiệp phải làm việc 17-18 giờ mỗi ngày, nhiều người bị tịch thu điện thoại để ngăn họ bỏ trốn.
Hai người Kenya khác - những người nói rằng họ bị ép lừa đảo người dùng internet ở các quốc gia giàu có như Mỹ - đã cố gắng trốn thoát cùng nhiều người khác vài ngày trước khi được giải cứu.
Nỗ lực giải cứu
Quân đội Phật giáo Karen Dân chủ (DKBA), lực lượng kiểm soát khu vực Kyauk Khet, Myanmar đã nhận trách nhiệm giải cứu các nạn nhân.
Ông Saw Shwe Wah, phó tổng tư lệnh DKBA, cho biết vào ngày 12/2 rằng ông cảm thấy "nhẹ nhõm khi đã bàn giao các nạn nhân an toàn" cho chính quyền Thái Lan.
DKBA và một nhóm quân sự Myanmar khác nói rằng họ sẽ tiếp tục giải cứu hàng nghìn người khỏi các trung tâm lừa đảo trong những tuần tới.
Trước đó, Thái Lan đã cắt điện, mạng internet, nguồn cung xăng dầu cho các khu vực biên giới Myanmar nhằm gây áp lực lên các nhóm lừa đảo. DKBA, lực lượng đối lập với chính quyền quân sự Myanmar, sau đó cam kết sẽ dẹp bỏ các hang ổ lừa đảo để xây dựng lòng tin với Thái Lan nhằm khiến Bangkok nối lại việc cấp phát điện, mạng internet cho người dân trong khu vực mà nhóm trên kiểm soát.
Những người được giải cứu kể rằng còn hàng nghìn người vẫn bị giam giữ tại Kyauk Khet, nhưng họ vô cùng hạnh phúc vì cuối cùng cũng được trở về nhà.
Liu đã để vợ mình lại quê nhà ở tỉnh Vân Nam khi cô đang mang thai đứa con thứ 2. "Tôi không thể chờ được đến ngày gặp lại các con mình", anh nói.