Nam Phi nói Tổng thống Putin không dự họp thượng đỉnh BRICS
(Dân trí) - Văn phòng Tổng thống Nam Phi thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8.
"Hội nghị thượng đỉnh sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Theo thỏa thuận chung, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng đại diện nước này, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, sẽ tham dự", Văn phòng Tổng thống Nam Phi hôm nay 19/7 thông báo.
"Trong thời gian tới, một tuyên bố toàn diện về các vấn đề quan trọng sẽ được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh và các vấn đề chính sách đối ngoại liên quan khác sẽ được đưa ra", Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết.
Khi được yêu cầu bình luận về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các vấn đề liên quan tới "cuộc họp cấp cao thường do văn phòng tổng thống bình luận".
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay dự kiến được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi vào ngày 22-24/8. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh BRICS trực tiếp đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào năm 2020.
Nhóm BRICS, được thành lập vào năm 2009, gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Một số quốc gia khác được cho là có ý định tham gia khối kinh tế này, bao gồm Argentina và Iran, cũng như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và Ai Cập.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nam Phi đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ Tổng thống Putin.
Nam Phi là một trong những nước đã ký vào Quy chế Rome thành lập ICC. Điều này đồng nghĩa với việc Nam Phi có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Putin nếu nhà lãnh đạo Nga đến Johannesburg dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới.
Nam Phi đã miễn trừ ngoại giao cho tất cả các lãnh đạo dự hội nghị. Do đó, ông Putin có thể không bị bắt nếu đến Johannesburg theo kế hoạch. Tuy nhiên, đây vẫn là một tình huống khó xử với Nam Phi.
Nam Phi được cho là đã đề nghị dời địa điểm họp đến Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rõ rằng: "Bắc Kinh ủng hộ Nam Phi với vai trò chủ tịch luân phiên, sẽ tổ chức thành công các hoạt động hợp tác của BRICS trong năm nay". Ngoài ra, Ấn Độ và Brazil cũng phản đối việc thay đổi địa điểm.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 18/7 cho biết, Nga đã nói rõ rằng việc bắt giữ tổng thống đương nhiệm của nước này sẽ bị coi là tuyên chiến.
Trước đó, ICC ngày 17/3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được".
Về lý thuyết, các thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ nếu ông Putin đặt chân lên lãnh thổ những nước đó. Tuy nhiên, việc thực thi hay không tùy thuộc vào mỗi quốc gia với những lý do khác nhau. Năm 2015, Nam Phi từng từ chối thực thi lệnh bắt của ICC đối với Tổng thống Omar al-Bashir khi ông đến thăm nước này. Nam Phi cũng dọa rút khỏi ICC.