Nam Phi nói bắt ông Putin đồng nghĩa tuyên chiến với Nga
(Dân trí) - Nam Phi đang tìm cách miễn thi hành lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về việc bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cho rằng hành động này có thể bị coi là "tuyên chiến" với Moscow.
"Nga đã nói rõ rằng việc bắt giữ tổng thống đương nhiệm của họ sẽ bị coi là tuyên chiến", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nêu trong tài liệu gửi tòa án thượng thẩm ở Nam Phi được công bố ngày 18/7.
Tài liệu gửi tòa án này là một phần trong thủ tục pháp lý mà chính quyền của ông Ramaphosa thực hiện để chống lại vụ kiện của đảng Liên minh Dân chủ (DA) đối lập. Đảng này yêu cầu chính phủ phải thực thi lệnh bắt giữ của ICC nếu Tổng thống Putin đặt chân đến Nam Phi.
Nhà lãnh đạo Nam Phi nhấn mạnh: "Sẽ không phù hợp với hiến pháp của chúng ta nếu mạo hiểm đối đầu quân sự với Nga". Ông Ramaphosa cũng nói thêm rằng việc bắt giữ ông Putin sẽ đi ngược lại sứ mệnh của ông nhằm bảo vệ Nam Phi.
Trong tài liệu, ông Ramaphosa cho biết, ông đang theo đuổi tiến trình đề nghị ICC miễn trừ thực thi lệnh bắt giữ dựa theo điều khoản quy định rằng các quốc gia không nhất thiết thực thi lệnh bắt giữ do một số nguyên nhân bất khả kháng.
Ông Ramaphosa lưu ý, việc bắt giữ ông Putin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến "an ninh, hòa bình và trật tự quốc gia".
ICC và người phát ngôn của Tổng thống Ramaphosa chưa đưa ra bình luận.
ICC ngày 17/3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được".
Nam Phi là một trong những nước đã ký vào Quy chế Rome thành lập ICC. Nghĩa là, theo lệnh của ICC, Nam Phi có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Nga Putin khi ông dự kiến đến Johannesburg dự hội nghị thượng đỉnh BRICS (gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi) vào ngày 22-24/8 tới.
Về lý thuyết, các thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ nếu ông Putin đặt chân lên lãnh thổ những nước đó. Tuy nhiên, việc thực thi hay không tùy thuộc vào mỗi quốc gia với những lý do khác nhau. Năm 2015, Nam Phi từng từ chối thực thi lệnh bắt của ICC đối với Tổng thống Omar al-Bashir khi ông đến thăm nước này. Nam Phi cũng dọa rút khỏi ICC.
Giới chức Nam Phi và Nga hiện chưa khẳng định liệu ông Putin có dự cuộc họp trực tiếp này không. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Ramaphosa đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phương án thay đổi địa điểm tổ chức và đề nghị ông Putin không dự họp đều không khả thi.
Đến nay, Nam Phi vẫn giữ quan điểm trung lập về xung đột Nga - Ukraine. Tháng trước, ông Ramaphosa đã dẫn đầu phái đoàn gồm 6 lãnh đạo châu Phi đến Kiev và Moscow để thực hiện vai trò trung gian hòa giải. Trong tài liệu gửi tòa án, ông Ramaphosa nhấn mạnh, việc bắt giữ ông Putin có thể ảnh hưởng đến nỗ lực này.