1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Na Uy cấm bán mảnh đất địa chiến lược cuối cùng tại cửa ngõ Bắc Cực

Thanh Thành

(Dân trí) - Na Uy hôm 1/7 tuyên bố chặn kế hoạch bán mảnh đất thuộc sở hữu tư nhân cuối cùng trên quần đảo chiến lược Svalbard ở Bắc Cực nhằm ngăn chặn nguy cơ bị các "tác nhân nước ngoài" như Trung Quốc mua lại.

Na Uy cấm bán mảnh đất địa chiến lược cuối cùng tại cửa ngõ Bắc Cực - 1

Đảo Spitsbergen ở quần đảo Svalbard, phía bắc Na Uy (Ảnh: AFP).

Theo đó, bất động sản Sore Fagerfjord rộng 60 km2 ở quần đảo Svalbard có tầm quan trọng đáng kể về môi trường, khoa học và kinh tế, đã được rao bán với giá 300 triệu euro (326 triệu USD).

Mảnh đất Sore Fagerfjord được công nhận trong Hiệp ước Svalbard, ký năm 1920. Hiệp ước này công nhận chủ quyền của Na Uy đối với quần đảo Svalbard nhưng cũng trao cho công dân của các cường quốc ký kết hiệp ước (vốn gần 50 quốc gia bao gồm cả Nga và Trung Quốc) các quyền tương tự để khai thác tài nguyên khoáng sản ở đây.

Na Uy cấm bán mảnh đất địa chiến lược cuối cùng tại cửa ngõ Bắc Cực - 2

Bất động sản Sore Fagerfjord nằm ở quần đảo Svalbard có tầm quan trọng đáng kể về môi trường, khoa học và kinh tế đối với Na Uy (Ảnh: FT).

Quần đảo Svalbard nằm giữa đất liền Na Uy và Bắc Cực, nơi đã gây ra tranh luận về biến đổi khí hậu và là tâm điểm căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc toàn cầu đang mong muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực.

Bắc Cực còn là nơi lý tưởng để kiểm soát các tuyến hàng hải và giao thông hàng không ở Bắc Băng Dương. Hiện có gần 3.000 người sinh sống trên 9 hòn đảo chính của Svalbard, nơi có trường đại học tư Trung tâm Đại học (UNIS) và nổi tiếng với khu vườn ươm hạt giống toàn cầu Svalbard.

Hiện nay, hầu hết tất cả tài sản khác trên Svalbard đều thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của Na Uy hoặc Nga. Chẳng hạn như việc Moscow đã duy trì các cộng đồng khai thác than ở Svalbard, thông qua công ty nhà nước Trust Arktikugol trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, Na Uy, vốn mong muốn bảo vệ chủ quyền của mình, không có thiện cảm với tài sản thuộc quyền kiểm soát của nước ngoài. Do đó, chính phủ Na Uy, vốn đang sở hữu 99,5% Svalbard, tuyên bố hầu hết đất đai, bao gồm cả mảnh đất Sore Fagerfjord, các khu vực được bảo vệ nơi xây dựng và vận tải cơ giới, cùng nhiều thứ khác, đều bị cấm mua bán.

Chính phủ nước này hôm 1/7 ra tuyên bố việc mua bán mảnh đất Sore Fagerfjord sẽ cần có sự chấp thuận của chính phủ nước này theo luật an ninh quốc gia.

"Các chủ sở hữu hiện tại của Sore Fagerfjord lại sẵn sàng bán cho những bên có thể thách thức luật pháp Na Uy ở Svalbard", Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Cecilie Myrseth bày tỏ lo ngại và nhấn mạnh thêm rằng, việc này có thể làm xáo trộn sự ổn định trong khu vực và có khả năng đe dọa lợi ích của Na Uy.

Vào năm 2016, chính phủ Na Uy cũng từng quyết định trả 33,5 triệu euro để mua lại mảnh đất do tư nhân nắm giữ nhằm tránh nguy cơ nó rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc.

Nhưng người sở hữu đất mảnh đất Sore Fagerfjord trích dẫn hiệp ước năm 1920 để lập luận rằng, chủ sở hữu có thể khai thác và phát triển tài sản của mình.

Theo SCMP