1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ yểm trợ Thổ kéo xe tăng sang Syria: Con bài kép

Mỹ yểm trợ trên không cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời kích hoạt người Kurd làm loạn chiến Syria.

Chiến thuật kép của Mỹ

Phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hôm 24/8 cho biết Mỹ khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới với Syria.

"Mỹ đã khuyến khích người Thổ Nhĩ Kỳ vài lần rằng phải có hành động dứt khoát áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, đặc biệt là khu vực biên giới này", ông Earnest nói.

Động thái này rõ ràng cho thấy sự ủng hộ tuyệt đối của Mỹ đối với sự xâm nhập quy mô lớn của xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào biên giới nước láng giềng Syria.

Đặc biệt, tuyên bố đưa ra sau chuyến thăm Ankara của đích thân Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chắc chắn và cam kết một lần nữa rằng Mỹ không phải là một bên can thiệp vào cuộc đảo chính bất thành của quân đội Thổ vào tháng trước.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim (phải) tại Ankara hôm 24/8. Ảnh: WSJ
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim (phải) tại Ankara hôm 24/8. Ảnh: WSJ

Ông Biden có lẽ đã tạo nên nhiều sự tin tưởng hơn đối với Ankara khi nhấn mạnh rằng, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ phải được kiểm soát bởi chính quốc gia này và không nên có bất cứ sự chiếm đóng bởi bất kỳ nhóm hay lực lượng nào khác.

Vị Phó Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh thêm lần nữa rằng, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục yểm trợ trên không cho các chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria.

Trước đó cùng ngày, hơn 10 xe tăng Thổ đã tiến mạnh mẽ vào lãnh thổ Syria để tham gia chiến dịch đẩy khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi Jarablus, cùng với sự yểm trợ của các máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu.

Chiến dịch "Lá chắn Euphrates" đã chính thức được khởi động vào hôm 24/8 với việc hàng loạt xe tăng, trọng pháo và binh lính Thổ Nhĩ Kì tràn sang biên giới với Syria để hỗ trợ các chiến binh của lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA), nhóm phiến quân đối lập chính phủ nhưng cũng chống IS.

Rõ ràng, động thái khuyến khích và yểm trợ quân đội trên bộ Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng hoạt động chống khủng bố ở Syria bằng cách tràn qua biên giới và can thiệp sâu vào lãnh thổ nước này là một bước ngoặt mới trong quan hệ Washington-Ankara ngày càng trở nên nồng ấm.

Lính Thổ Nhĩ Kỳ chụp ảnh cùng chiến binh FSA.
Lính Thổ Nhĩ Kỳ chụp ảnh cùng chiến binh FSA.

Tuy nhiên, chiến thuật quan trọng nhất của Mỹ ở đây thực chất muốn nhắm vào chiến trường Syria hiện đang bị quân đội Nga và đồng minh hỗ trợ Tổng thống Assad lấn át.

Cần phải nhắc thêm, con bài chiến lược kép ở đây là việc Mỹ ủng hộ và yểm trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang Syria nhưng cũng vẫn bảo vệ lực lượng phiến quân người Kurd, đối thủ không khi nào yên dạ của Ankara.

Lá bài nước đôi này trước mắt vẫn là kích động phá nát chiến trường ở Syria vốn đang được Nga và các lực lượng liên quân cùng quân đội chính phủ nước này tranh chấp từng khu vực nhỏ với lực lượng khủng bố Hồi giáo.

Mỹ trước đó đã ra các cảnh báo đối với các chiến đấu cơ của lực lượng trung thành với Chính phủ Syria: phải kiềm chế các hoạt động chiến sự trên vùng trời ở các khu vực do người Kurd kiểm soát.

Ông Faysal Itani, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Trung Đông Rafik Hariri thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định kể từ khi phát động chiến dịch can thiệp quân sự chống IS, các tướng lĩnh Mỹ hiểu rằng các cuộc không kích không thể loại bỏ được hoàn toàn phiến quân trên thực địa, họ cần một lực lượng trên bộ đáng tin cậy để tái chiếm và bảo vệ lãnh thổ từ tay IS.

Với việc Tổng thống Barack Obama không ủng hộ đưa bộ binh Mỹ đến Iraq và Syria, các quan chức Lầu Năm Góc chỉ còn biết trông cậy vào các nhóm dân quân người Kurd và lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA).

Tuy nhiên, đây không phải là lực lượng quân đội chính quy, được trang bị và huấn luyện phù hợp để tiến hành một cuộc chiến ác liệt, giằng co trên thực địa. Sự ra tay can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, nước có lực lượng quân đội thuộc diện mạnh nhất khu vực, có thể là yếu tố góp phần thay đổi cuộc chơi theo hướng có lợi cho Mỹ.

Động thái vừa bảo vệ người Kurd đối lập, vừa "thả bóng" bảo vệ cho Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rõ tính chất "hai mặt" rõ ràng của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ kéo tăng sang Syria: Cũng chơi lá bài 2 mặt

Trong khi đó, nếu nói đến lá bài nước đôi của Mỹ thì không thể không nhắc tới toan tính Thổ Nhĩ Kỳ trong tương quan lực lượng và chiến thuật ở Tây Bắc Syria.

Cái bắt tay với Mỹ trong tình hình đất nước này đang đối mặt với các cuộc tấn công bằng đạn pháo và đánh bom tự sát trên toàn lãnh thổ cùng với tình hình an ninh bất ổn sẽ là điều kiện thuận lợi để trả thù và ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng lớn tới từ IS, đồng thời tiến sâu hơn vào thành lũy đang hình thành liên minh người Kurd ở biên giới nước này.

Vùng kiểm soát của lực lượng người Kurd hiện đang kiểm soát dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vượt sông Euphrates và tấn công vào thị trấn Manbij vào ngày 12/8 và muốn tiến nhanh về phía Tây để kết nối vùng Efrin do người Kurd kiểm soát.

Đà tiến quân này khiến Ankara không thể ngồi yên nhìn lực lượng người Kurd mở rộng liên minh mà thực hiện cuộc tiến công ở Jarablus.

Cuộc tấn công quy mô với sự phối hợp của lực lượng đặc nhiệm làm nhiệm vụ tiền trạm và đội hình xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ phía sau, được yểm trợ bởi hỏa lực pháo binh tầm xa và các cuộc không kích trên không, đã khiến phiến quân thất thủ chỉ sau vài giờ giao tranh.

Chiến thắng này kéo lực lượng thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tiến sâu về phía Tây để dọn sạch biên giới.

Vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát sẽ nối liền một dải dọc biên giới phía bắc Syria. Đồ họa: IWS.
Vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát sẽ nối liền một dải dọc biên giới phía bắc Syria. Đồ họa: IWS.

Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là lực lượng khủng bố IS mà còn là lực lượng đối lập người Kurd. Với hướng tiến quân này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sớm muộn cũng sẽ chạm mặt SDF thuộc Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD), tổ chức bị Ankara coi là nhóm khủng bố, nhưng lại là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Thành công này đặt Mỹ vào tình thế tìm giải pháp dàn xếp cho hai lực lượng đối nghịch và cùng là đồng minh trong cuộc chiến ở Syria.

Chuyên gia Itani cho rằng Washington không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ Ankara, và phải gia tăng sức ép lên lực lượng dân quân người Kurd.

Hôm qua, Phó Tổng thống Biden cũng đã lên tiếng kêu gọi người Kurd rút lực lượng về bờ đông sông Euphrates. PYD nhiều khả năng sẽ phải tuân thủ yêu cầu này, nếu không muốn bị Mỹ chấm dứt mọi hình thức hỗ trợ quân sự.

Việc khống chế dân quân người Kurd để xoa dịu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục diễn ra đến khi nào Mỹ vẫn còn tham gia cuộc chiến ở Syria.

Theo Đông Phong

Đất Việt