1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ xem xét luật trừng phạt hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

(Dân trí) - Các thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng sẽ đề xuất lại dự thảo luật nhằm cho phép trừng phạt các cá nhân hoặc tổ chức Trung Quốc có liên quan tới các hoạt động bị Washington coi là “bất hợp pháp và nguy hiểm” của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông.

Mỹ xem xét luật trừng phạt hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông - 1

Tàu hải quân của 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines đi qua Biển Đông trong cuộc tập trận chung đầu tháng 5. (Ảnh: Japan Times)

Nếu chính thức được thông qua, “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” sẽ cho phép chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính tại Mỹ, thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ đối tượng nào bị cáo buộc có liên quan tới “các hoạt động hay chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” trên Biển Đông.

“Dự thảo luật của lưỡng đảng đã củng cố thêm nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong việc đối phó với hoạt động quân sự hóa trái phép và nguy hiểm của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp mà nước này đang chiếm đóng trên Biển Đông”, Marco Rubio, thượng nghị sĩ Cộng hòa dẫn đầu dự thảo luật cùng Thượng nghị sĩ Dân chủ Benjamin Cardin, nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

“Dự thảo luật này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì khu vực (Biển Đông và Hoa Đông) cởi mở và tự do đối với tất cả các nước, đồng thời buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì hành vi gây hấn và cưỡng ép trong khu vực”, Thượng nghị sĩ Rubio nói.

Mỹ xem xét luật trừng phạt hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông - 2

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Ảnh: AFP)

Dự luật mới cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải trình lên Quốc hội bản báo cáo theo thời hạn 6 tháng một lần để xác định những cá nhân hay công ty Trung Quốc có liên quan tới hoạt động xây dựng hay phát triển các dự án trái phép trên Biển Đông. Các hoạt động trái phép được quy định theo dự luật của Mỹ gồm bồi đắp, xây đảo nhân tạo, xây dựng hải đăng và hạ tầng viễn thông di động.

Những cá nhân hay tổ chức đồng lõa hoặc trực tiếp tham gia vào các hoạt động đe dọa tới “hòa bình, an ninh hay ổn định” ở những khu vực do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý trên biển Hoa Đông cũng bị nhắm mục tiêu trừng phạt theo dự luật mới. Tại biển Hoa Đông, Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư).  

Dự luật trên từng được giới thiệu hồi năm 2017, tuy nhiên chưa bao giờ được chuyển từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện lên Thượng viện. Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ phải thông qua dự luật này trước khi chuyển lên Tổng thống Mỹ ký thành luật chính thức.

Lần này, những người ủng hộ dự luật hy vọng sẽ có kết quả khả quan hơn nhờ chủ tịch mới của Ủy ban Đối ngoại, Thượng nghị sĩ James Risch - người theo dõi chặt chẽ các chính sách của Trung Quốc.

“Chúng tôi rất lạc quan do Chủ tịch Risch rất quan tâm tới các vấn đề Trung Quốc”, phát ngôn viên của thượng nghị sĩ Rubio nói hôm 22/5, đồng thời cho biết không có sự khác biệt về câu chữ giữa phiên bản dự luật được giới thiệu năm 2017 và phiên bản được công bố hôm qua.

Dự luật hiện tại nhận được sự ủng hộ từ 13 thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa, nhiều hơn hẳn so với số lượng ủng hộ hồi năm 2017. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng trong lập trường phản đối Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ.

Theo phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Rubio, việc đề xuất lại dự luật đã nằm trong kế hoạch của ông Rubio trong suốt một tháng. Dự luật được công bố đúng vào thời điểm Hải quân Mỹ tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, thậm chí tàu chiến Mỹ từng chạm trán với các hải quân Trung Quốc ở vùng biển này.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm