1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu chiến Mỹ - Trung chạm trán “như cơm bữa” trên Biển Đông

(Dân trí) - Các chỉ huy Mỹ đã quá quen thuộc với thông báo của hải quân Trung Quốc mỗi khi đi qua Biển Đông do tần suất chạm trán giữa tàu chiến hai nước nhiều “như cơm bữa”.

Video chưa từng công bố về khoảnh khắc tàu chiến Mỹ-Trung suýt va chạm trên Biển Đông
Tàu chiến Mỹ - Trung chạm trán “như cơm bữa” trên Biển Đông - 1

Tàu USS Blue Ridge của Mỹ (Ảnh: Taiwan News)

Đối với Hạm trưởng Eric Anduze, chỉ huy soái hạm USS Blue Ridge, những âm thanh phát ra từ bộ đàm khi tàu đi qua Biển Đông đã trở thành điều quen thuộc. Đó là tiếng của người Trung Quốc.

“Họ sẽ liên lạc với chúng tôi và sau đó rời đi - “Tàu của chính phủ Mỹ, đây là tàu Hải quân Trung Quốc” số hiệu nào đó - “Chúng tôi sẽ giữ khoảng cách 8km và hộ tống các ông khi các ông di chuyển qua khu vực này”, Hạm trưởng Anduze mô tả lại đoạn thông báo bằng tiếng Anh mà ông thường nghe thấy từ tàu chiến Trung Quốc khi tàu Mỹ đi qua Biển Đông.

Đáp lại, thông báo của Mỹ rất ngắn gọn: “Tàu Trung Quốc, đây là tàu chính phủ Mỹ số 19, hết”.

Từ đó, mọi thứ chìm vào im lặng. Trong khi ở bên ngoài, tàu của Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu thế giới, vẫn bám đuổi nhau về phía trước.

Những cuộc chạm trán giữa các tàu hải quân là “chuyện cơm bữa” của hai lực lượng quân sự lớn nhất thế giới tại Biển Đông.

Hồi tháng 9, một tàu khu trục của Trung Quốc đã áp sát tàu khu trục USS Decatur của Mỹ ở khoảng cách mà Washington mô tả là “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”. Tuy vậy, động thái của Trung Quốc vẫn không thể cản trở Mỹ tiến hành các hoạt động tương tự. Hồi đầu tháng này, Mỹ đã đưa hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tới khu vực 12 hải lý gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ - Trung chạm trán “như cơm bữa” trên Biển Đông - 2

Tàu USS Decatur của Mỹ (trái) và tàu Lanzhou của Trung Quốc chạm trán nhau trên Biển Đông hồi tháng 9/2018. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Đồn trú tại Nhật Bản, soái hạm USS Blue Ridge thường xuyên di chuyển qua Biển Đông, khu vực tranh chấp giữa các nước và là nơi Trung Quốc theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý bất chấp sự phản đối của các nước. Mỹ nhiều lần điều tàu tới Biển Đông để thực hiện chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, tuy nhiên Bắc Kinh luôn chỉ trích các động thái này của Washington là khiêu khích.

Hải quân Mỹ đã cho phép các hãng truyền thông, trong đó có Bloomberg, vào bên trong đài chỉ huy của USS Blue Ridge khi tàu này đi qua Biển Đông để tới Singapore trong hành trình đi qua các thành phố cảng tại khu vực Đông Nam Á. Là tàu chiến hoạt động lâu đời nhất của Hải quân Mỹ, Blue Ridge được xem là soái hạm của Hạm đội 7.

Blue Ridge là một trong những tàu hải quân có công nghệ hiện đại nhất thế giới. Con tàu này được xem như một thị trấn nổi với hơn 1.000 thủy thủ. Trên tàu có trang bị giường ngủ, trung tâm thể hình, bưu điện và bệnh viện thu nhỏ.

Kể từ tháng 2 năm nay, Hạm trưởng Anduze cho biết tàu Blue Ridge đã được các tàu Trung Quốc “hộ tống” ít nhất 6 lần và bây giờ đã trở thành hoạt động thường kỳ.

Các quan chức hải quân trên tàu Blue Ridge từ chối tiết lộ chi tiết về những vụ chạm trán căng thẳng với tàu Trung Quốc. Họ chỉ nói rằng họ chưa từng trải qua những vụ việc như khi tàu của họ đi qua các tuyến hàng hải trên Biển Đông.

“Có những con tàu (của Trung Quốc) di chuyển cách chúng tôi chỉ khoảng 4km và bám sát cho tới khi chúng tôi rời khỏi khu vực. Dù vậy, những cuộc chạm trán này vẫn an toàn”, Hạm trưởng Anduze cho biết.

Thành Đạt

Theo Bloomberg