1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ xem xét đáp trả Trung Quốc vụ khinh khí cầu

Minh Phương

(Dân trí) - Washington có thể nhắm đến các đơn vị ở Trung Quốc bị cho có liên quan đến khinh khí cầu bị bắn rơi sau khi vào không phận Mỹ.

Mỹ xem xét đáp trả Trung Quốc vụ khinh khí cầu - 1

Hải quân Mỹ trục vớt xác khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn nguồn tin cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/2 cho biết, Mỹ đang xem xét biện pháp đáp trả các thực thể bị nghi có liên hệ với quân đội Trung Quốc và hỗ trợ "khinh khí cầu do thám" của nước này đi vào không phận Mỹ gần đây.

Theo giới chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington tin rằng, đơn vị sản xuất khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ở Mỹ cuối tuần trước có "mối quan hệ trực tiếp" với quân đội Trung Quốc.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Washington mới chỉ xem xét, chưa có quyết định về biện pháp đáp trả. Bà cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ làm rõ và giải quyết những hoạt động do thám lớn hơn của Trung Quốc có thể đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh, đối tác.

Một khinh khí cầu đã đi vào không phận của Mỹ trong nhiều ngày kể từ cuối tháng 1. Tuy nhiên, đến ngày 4/2, Mỹ mới quyết định triển khai máy bay F-22 phóng tên lửa bắn hạ khinh khí cầu ở vùng biển Đại Tây Dương. Theo các quan chức giấu tên, trọng tải của chiếc khinh khí cầu là hơn 1 tấn, và mảnh vỡ của nó đã rơi xuống khu vực có diện tích khoảng 1.500m2.

Hải quân Mỹ ngày 7/2 công bố hình ảnh trục vớt xác khinh khí cầu. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói Washington "không có ý định hay kế hoạch" trả lại mảnh vỡ khinh khí cầu cho Trung Quốc.

Mỹ xem xét đáp trả Trung Quốc vụ khinh khí cầu - 2

Mỹ triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22 để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc đi vào không phận ngày 4/2 (Ảnh: Fox).

Washington nghi ngờ đây là khinh khí cầu do thám và là một phần của đội khinh khí cầu giám sát do quân đội Trung Quốc chỉ đạo đã bay qua hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục.

Mỹ nói rằng, khí cầu bị bắn rơi gắn nhiều ăng-ten "có khả năng thu thập và định vị địa lý thông tin liên lạc". Các tấm pin mặt trời trên khí cầu đủ lớn để tạo ra năng lượng vận hành cho "nhiều cảm biến thu thập thông tin tình báo".

"Các thiết bị gắn trên khinh khí cầu "rõ ràng là để giám sát tình báo và không phù hợp với đặc điểm thiết bị trên khinh khí cầu thời tiết", nguồn tin Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Vụ việc bắn rơi khí cầu đang khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng. Bắc Kinh khẳng định, khinh khí cầu bị bắn rơi chỉ là thiết bị dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng và đi vào không phận Mỹ do sự cố ngoài ý muốn. Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ hành động thái quá, đề nghị Washington trao trả lại xác khí cầu. Trung Quốc xác nhận từ chối điện đàm với Mỹ sau vụ bắn rơi khí cầu.

Sự việc khiến một số nước bày tỏ lo ngại về nguy cơ bị do thám bằng khinh khí cầu. Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm qua cho biết, Nhật Bản đang phối hợp với Mỹ để phân tích hình ảnh các vật thể không xác định giống khí cầu xuất hiện ở không phận nước này những năm gần đây.

"Chúng tôi đang phân tích các vật thể xuất hiện trên bầu trời Nhật Bản hồi tháng 6/2020 và tháng 9/2021, xem liệu có liên quan đến vụ việc ở Mỹ hay không", ông Matsuno nói.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản khi đó cho biết khinh khí cầu trông giống một thiết bị theo dõi thời tiết nhưng không phải của họ. Chính phủ Nhật Bản cũng bác bỏ giả thuyết đó là thiết bị do thám của nước ngoài. Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận và những diễn biến gần đây, họ buộc phải đánh giá lại.

Theo Reuters, AFP