1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ và đồng minh đối đầu vì Jerusalem

Sau quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, nhiều đối tác và đồng minh của Mỹ tại Trung Đông đã có những tuyên bố và động thái quyết liệt ủng hộ Palestine trong vấn đề Jerusalem.

Việc Mỹ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và công khai ý định dời đại sứ quán từ Tel Aviv về TP này đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các cộng đồng Hồi giáo. Ngay cả các đối tác và đồng minh của Mỹ tại khu vực Trung Đông như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có những động thái và phát ngôn quyết liệt thời gian qua.

Đối đầu tại Liên Hiệp Quốc

Các nước ủng hộ Palestine trong vấn đề Jerusalem đang quyết liệt tìm giải pháp “đảo ngược” quyết định của Tổng thống Trump thông qua Liên Hiệp Quốc (LHQ). Dự kiến trong hôm nay (18-12), Hội đồng Bảo an (HĐBA) sẽ tổ chức bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết, theo đó xem xét mọi động thái thay đổi hiện trạng của Jerusalem sẽ không có tác động pháp lý và cần được hủy bỏ. Điểm đáng chú ý là dự thảo này được thúc đẩy bởi Ai Cập, đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực Trung Đông, hãng tin AFP cho biết.

Nội dung của dự thảo này cho rằng “bất kỳ quyết định và hành động nào hướng đến thay đổi tính chất, hiện trạng hay thành phần nhân khẩu học” của Jerusalem đều sẽ “không có tác động pháp lý, vô nghĩa, không có giá trị và cần được hủy bỏ”. Bản dự thảo cũng kêu gọi tất cả các nước cân nhắc không mở đại sứ quán tại Jerusalem. Dự thảo cũng yêu cầu tất cả thành viên LHQ không thừa nhận bất kỳ hành động nào đi ngược lại các nghị quyết trước đây của LHQ liên quan đến hiện trạng Jerusalem. Bản dự thảo đã không đề cập trực tiếp đến quyết định của Tổng thống Trump. Theo hãng tin AFP, một số nước có quan hệ thân thiết với Mỹ như Anh, Pháp, Ai Cập, Nhật Bản và Ukraine đã không muốn thúc đẩy một dự thảo quá cứng rắn, đồng thời kiên quyết cho rằng biện pháp sắp tới chỉ nên tái khẳng định lập trường đã được đề ra trong những nghị quyết trước đó.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) nhiều lần phản đối quyết định của Mỹ trong vấn đề Jerusalem. Ảnh: AFP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) nhiều lần phản đối quyết định của Mỹ trong vấn đề Jerusalem. Ảnh: AFP


Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Ảnh: APP

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Ảnh: APP

Cảnh báo từ đồng minh

Tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của NATO và là đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ ở Trung Đông cũng đã lên tiếng kêu gọi LHQ phản đối quyết định của Tổng thống Trump trong vấn đề Jerusalem.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 16-12 đã lên tiếng cảnh báo nước này sẵn sàng làm “mọi điều cần thiết trong khuôn khổ pháp luật” để bảo vệ phía Palestine trong vấn đề Jerusalem nếu như các tổ chức quốc tế như LHQ và HĐBA không hành động giải quyết vấn đề này. “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi Jerusalem. Chúng tôi sẽ không ngừng bảo vệ Palestine. Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Jerusalem là khá rõ ràng. Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là một sự thiên vị cho Israel” - ông Erdogan phát biểu tại Istanbul cuối tuần qua.

Cũng trong sự kiện Hồi giáo ở Istanbul, nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ lập trường cứng rắn khi đưa ra thông điệp: “Nếu chúng ta để mất Jerusalem nghĩa là chúng ta sẽ không thể bảo vệ được thánh địa Medina. Nếu chúng ta để mất Medina, chúng ta sẽ mất luôn thánh địa Mecca và Kaaba”. Cho rằng “thế giới Hồi giáo đang phải đối mặt với những nỗ lực tái định hình bằng máu, nước mắt và sự chia rẽ giữa những người anh em như một thế kỷ trước đây”, ông Erdogan thậm chí đưa ra cảnh báo thế giới Hồi giáo cần “được chuẩn bị đối phó với những cuộc tấn công nhằm hủy hoại Hồi giáo từ bên trong”, theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã ra tuyên bố khẳng định lãnh sự của nước này tại Jerusalem đã và đang hoạt động với “cấp độ đại sứ” đại diện cho Thổ Nhĩ Kỳ tại Palestine. “Điều này là rất rõ ràng. Dù cho Israel có chấp nhận hay không thì thực tại sẽ không thay đổi, quyết định của chúng tôi sẽ không thay đổi. Chúng tôi đã luôn ủng hộ Palestine và Jerusalem trên mọi diễn đàn quốc tế và sẽ tiếp tục như vậy” - ông Yildirim khẳng định.

Theo hãng tin AFP, một số nhà ngoại giao dự đoán Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn nghị quyết này được thông qua. Tuy nhiên, có khả năng toàn bộ 14 thành viên còn lại của HĐBA sẽ ủng hộ dự thảo. Nếu dự đoán này thành hiện thực, phía Palestine nhiều khả năng sẽ đẩy một dự thảo có nội dung tương tự lên Đại hội đồng LHQ hướng đến phản bác quyết định của chính quyền Mỹ. Nghị quyết của HĐBA chỉ được thông qua với điều kiện có trên 9/15 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của bất kỳ nước nào trong năm nước thành viên thường trực.

Tại hội nghị khẩn cấp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (IOC) tổ chức tuần qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ 57 nước thành viên đã đồng ý thừa nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine.

Theo Trung Nhân

Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm