1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ tung đòn bí hiểm với tên lửa Triều Tiên?

Từ khi Mỹ khởi động chương trình bí mật, có tới 80% vụ thử tên lửa của Triều Tiên thất bại.

Tờ The Diplomat vừa đăng tải bài viết dẫn lời giới chuyên gia Mỹ nhận định về khả năng Mỹ sử dụng không gian mạng ngăn chặn năng lực phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Đây được cho là nguyên nhân khiến phần lớn vụ thử tên lửa của Triều Tiên thất bại.

Triều Tiên đã không ít lần thử tên lửa thất bại. Theo thời báo New York Times (Mỹ), đã có tới “80% vụ thử tên lửa của Triều Tiên thất bại kể từ khi Mỹ khởi động chương trình bí mật nhằm vào nghiên cứu vũ khí chiến lược của Triều Tiên cách đây 3 năm”.

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên liên tiếp thất bại
Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên liên tiếp "thất bại"

Mới đây nhất, vào rạng sáng 29/4, Triều Tiên đã thử một tên lửa đạn đạo từ một địa điểm ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, song vụ thử dường như đã thất bại. Quân đội Hàn Quốc cho biết, tên lửa Triều Tiên dường như đã nổ tung chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng.

Giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng nhiều khả năng tên lửa đạn đạo Triều Tiên vừa sử dụng là tên lửa tầm trung KN-17, được phóng đi từ bãi thử Bukchang, bay khoảng 30-40 km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của quân đội Mỹ xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo, nhưng tên lửa này không vượt ra ngoài lãnh thổ Triều Tiên và không gây ra mối đe dọa tới Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên vẫn không ngừng được cải thiện bất chấp những thất bại của các vụ thử tên lửa. Năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử hạt nhân với sức công phá lớn hơn gấp 2 lần so với quả bom nguyên tử nổ tại Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến II.

Tên lửa tại lễ duyệt binh của Triều Tiên hôm 15/4
Tên lửa tại lễ duyệt binh của Triều Tiên hôm 15/4

Cuộc diễu hành gần đây nhân dịp kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cho thấy sự lớn mạnh vượt bậc của quân đội Triều Tiên.

Mục đích của cuộc diễu hành vừa qua của Triều Tiên có lẽ là để thể hiện cho thế giới (cả đồng minh và đối thủ) thấy rằng quân đội Triều Tiên đã có bước phát triển vượt bậc về sức mạnh và khoa học công nghệ.

Vụ thử tên lửa mới đây là cơ hội để Triều Tiên kiểm tra năng lực khoa học công nghệ của mình. Tuy nhiên, vụ thử đã thất bại, tình huống này cũng làm khơi dậy dư luận về khả năng Mỹ đã sử dụng các biện pháp tấn công mạng để ngăn chặn.

Trong bối cảnh như vậy, giả thuyết về việc Bộ chỉ huy và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã triển khai chương trình ngăn chặn các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là hoàn toàn có thể. Trước đó, Mỹ và Israel được cho là đã sử dụng sâu máy tính “Stuxnet” để ngăn chặn các chương trình hạt nhân của Iran.

Mỹ đã tấn công mạng khiến Triều Tiên thử tên lửa thất bại?
Mỹ đã tấn công mạng khiến Triều Tiên thử tên lửa thất bại?

Giám đốc Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế James Acton cho rằng, việc sử dụng các cuộc tấn công mạng chống lại Triều Tiên ít có khả năng gây ra "phản ứng nhanh và nguy hiểm" từ Chủ tịch Kim Jong-un, tuy nhiên điều này "có thể gây ra hậu quả nguy hiểm lâu dài" vì nó có thể kích hoạt một “cuộc chạy đua vũ trang trên không gian mạng”, gây ra các cuộc tấn công mạng phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, thậm chí có thể tạo ra bầu không khí căng thẳng như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ chấp nhận rủi ro để nhắm tới mục tiêu ngăn chặn các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời qua đó đưa ra thông điệp về sức mạnh tuyệt đối của các chương trình không gian mạng mà Mỹ đang thực hiện.

Cuộc tấn công tiềm tàng hoặc chiến dịch tấn công nhằm vào các năng lực hạt nhân của Triều Tiên cho thấy sự thay đổi trong chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, chuyển sang đơn phương sử dụng sức mạnh giải quyết các vấn đề thế giới. Sự thay đổi chính sách này có thể làm thay đổi hành động của chính quyền Mỹ, nhất là với các đối tác chính như Trung Quốc.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng ám chỉ "kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược” đã kết thúc. Mỹ dường như đã sẵn sàng thông qua sức mạnh quân sự, bao gồm cả mặt trận không gian mạng, để ngăn chặn các năng lực hạt nhân và tên lửa chiến lược của Triều Tiên.

Nếu Mỹ sử dụng biện pháp cứng rắn để giải quyết khủng hoảng tại Triều Tiên, vị trí của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có sự thay đổi, và có lẽ trong bối cảnh đó, tấn công mạng để ngăn chặn năng lực hạt nhân của Triều Tiên sẽ là lựa chọn được Mỹ quan tâm hàng đầu.

Theo Bảo Lâm

Đất Việt