1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ tự đặt mình vào “thế khó” trong đàm phán với Triều Tiên vì Iran?

Nếu phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, Mỹ sẽ đặt mình vào “thế khó” trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh thì một vấn đề khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm đó là thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.


Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Giới ngoại giao nhận định, tự tay xé bỏ thỏa thuận nhận được sự đồng thuận quốc tế sau nhiều năm đàm phán, Mỹ đang gửi đi một thông điệp nguy hiểm đến các nước tham gia đàm phán với Mỹ, cũng như đặt nước này vào “ thế khó” trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/5 sẽ quyết định liệu có khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran hay không. Đây được coi là một cú giáng mạnh vào thỏa thuận lịch sử mà các bên đạt được vào năm 2015.

Hiện các nước châu Âu đặc biệt là Pháp, Anh và Đức đang cố gắng giải quyết các mối lo ngại của Mỹ với Iran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Pháp, Đức và Anh đã đề xuất mở rộng biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến vai trò của nước này trong cuộc xung đột tại Syria, với hi vọng có thể thuyết phục Tổng thống Mỹ không từ bỏ thỏa thuận này. Tuy nhiên thực tế nội bộ các nước EU cũng chưa đạt được sự đồng thuận về đề xuất này do những lợi ích kinh tế khác nhau với Iran.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vẫn khẳng định, ưu tiên hiện nay đó là duy trì thỏa thuận hạt nhân đã đạt được: “Chúng tôi không hài lòng với Iran về vai trò trong khu vực, chương trình tên lửa và sự can dự vào cuộc chiến Syria. Do đó EU sẽ thảo luận về vấn đề này và phản ứng của chúng tôi. Tuy nhiên đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, điều quan trọng là cần phải duy trì và không được thay đổi. EU đang tích cực thảo luận với các bên liên quan”.

Dự kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ tại Washington vào ngày 24/4 tới để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trước nguy cơ Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm qua cho rằng, Cơ quan năng lượng nguyên tử nước này đã sẵn sàng với những “phản ứng khó dự đoán”, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng nhấn mạnh, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, khó có khả năng Iran sẽ tiếp tục cùng với các bên liên quan duy trì thỏa thuận này, vì điều quan trọng là Iran cần phải nhận được lợi ích từ thỏa thuận và sẽ không thể tiếp tục khi chỉ có 1 bên thực hiện.

Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được sau một thời gian dài đàm phán đã chứng minh được tính hiệu quả với mối quan hệ Iran và phương Tây được cải thiện, kéo theo các lợi ích kinh tế cho cả hai bên, xoa dịu lo ngại về nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, trước nguy cơ thỏa thuận này có thể đổ vỡ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, các nhà ngoại giao cho rằng, ngoài việc thế giới tiếp tục chứng kiến một Iran phát triển chương trình hạt nhân của mình, quyết định này sẽ đặt chính quyền Tổng thống Trump vào một tình huống khó khăn hơn trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Thời điểm Mỹ xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và đàm phán thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên rất gần nhau. Theo giới quan sát, Triều Tiên đang theo dõi chặt chẽ những quyết định của Tổng thống Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran đưa ra vào tháng 5 tới. Nếu Mỹ rút lại các cam kết với Iran thì không có lí do gì Nhà lãnh đạo Triều Tiên lại có thể tin tưởng hoàn toàn vào các cam kết của Tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Theo Phạm Hà

VOV