1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Trung với ván cờ ở Myanmar

Tháng 5 khép lại với việc mở ra hàng loạt cơ hội cho Myanmar: Nhật Bản tái khẳng định sẽ từng bước xóa khoản nợ 3,7 tỷ USD và nối lại các cam kết viện trợ phát triển để ủng hộ cải cách kinh tế của Myanmar ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới nước này.

 
Mỹ - Trung với ván cờ ở Myanmar


Trước đó, trong chuyến thăm của Tổng thống Thein Sein tới Mỹ hôm 20/5, chính quyền Barack Obama tỏ ý nhiều khả năng hoàn toàn chấm dứt cấm vận chống Naypydaw.

Liên minh châu Âu nhất trí hủy các biện pháp cấm vận kinh tế, thương mại đối với Myanmar. Úc cũng thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar cùng hơn 200 công dân nước này đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính.

Từ chỗ bị cô lập kéo dài suốt 50 năm, trong thời gian ngắn, Myanmar vụt sáng trở thành “con rồng mới ở châu Á”, sau khi đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (được quân đội hậu thuẫn) thực hiện cuộc cải cách mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2012 cũng như bãi bỏ án quản thúc tại gia kéo dài hai thập niên đối với thủ lĩnh phe đối lập Aung San Suu Kyi.

Lý do gì Myanmar sau hàng chục năm “ngủ quên”, bỗng dưng được phương Tây đánh thức?

Về địa lý, Ấn Độ Dương (AĐD) chiếm tới 50% tổng khối lượng vận tải đường biển bằng container và 70% khối lượng chuyển tải sản phẩm dầu mỏ. AĐD cũng là khu vực chịu sự rủi ro đặc biệt cao và là nơi tập trung phần lớn trong số 11 khu vực được coi là huyết mạch giao thông đường biển và là yết hầu kinh tế của nhiều nước. Trong khi đó, Myanmar lại là quốc gia ven biển AĐD, có vị trí thuận lợi cho tàu thuyền qua lại neo đậu để tiếp thêm nhiên liệu và bảo trì kỹ thuật.

Về tài nguyên, Myanmar chiếm vị trí thứ 10 trên thế giới về trữ lượng khí đốt thiên nhiên, ước tính 2.500 tỉ m3, trong đó có khoảng 510 tỉ m3 đã được khẳng định. Khối lượng dầu mỏ tiềm năng của Myanmar vào khoảng 3,2 tỉ thùng. Myanmar còn là một trong những khu vực lớn nhất thế giới khai thác đá quý, vàng, nguyên tố hiếm, ngọc trai.

Trong suốt những năm Myanmar bị Mỹ và phương Tây áp đặt trừng phạt, Trung Quốc (TQ) triệt để tận dụng lợi thế sẵn có của Myanmar để tạo lập vị thế và đem lại lợi ích cho quốc gia mình.

Một mặt viện trợ kinh tế và quân sự cho Myanmar, Bắc Kinh từng bước biến nước này thành một tiền đồn của TQ trên biển Andaman và rộng hơn là trên toàn bộ tuyến vận chuyển quá cảnh năng lượng từ vùng Vịnh qua AĐD sang TQ.

Kế hoạch trên là một cái gai trong mắt các chiến lược gia Mỹ, vì nó cho phép TQ vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông và châu Phi bỏ qua “nút cổ chai” - eo biển Malacca do Hải quân Mỹ kiểm soát, vì thế giảm mạnh khả năng của Mỹ ngăn chặn các động mạch năng lượng quan trọng của TQ.

Năm 2009, TQ khởi công xây dựng cảng dầu trên đảo Madej ở bang Rakhine, mở đầu đường ống dài hơn 770 km với công suất 12 triệu tấn mỗi năm dẫn trực tiếp đến biên giới TQ. Xét về chiến lược, Bộ tham mưu Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ đánh giá cảng Madej như một căn cứ hải quân đa năng, có khả năng kiểm soát toàn bộ vùng biển AĐD.

Cuối năm 2011, Mỹ công bố “chiến lược thay đổi trục ảnh hưởng” và “quay trở lại châu Á-TBD”, mà thực chất là hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ. Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng như trên, Myanmar chính là cánh cửa giúp Mỹ tiến vào châu Á-TBD, áp sát “sân sau” của TQ.

Chính quyền Obama hiểu rằng, nếu Washington càng thiết lập tốt quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự lâu dài với Naypydaw bao nhiêu thì Mỹ càng có ảnh hưởng lớn bấy nhiêu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với TQ trên cục diện địa-chính trị ở liên khu vực châu Á-TBD và AĐD.

Ở thời điểm Washington chưa hội đủ điều kiện để ào ạt đưa quân xuống châu Á-TBD, việc các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Úc đẩy mạnh hợp tác với Naypydaw hoàn toàn nằm trong toan tính của Washington.

Bản thân những nhà cải cách Myanmar cũng tin rằng, việc bắt tay hợp tác với Mỹ và đồng minh góp phần nào vào sự cân bằng và giải tỏa sức ép từ sự lệ thuộc vào TQ. Thực tế, quan hệ Myanmar-TQ lâu nay được ví như “cuộc hôn nhân không có tình yêu”, chỉ gắn bó với nhau vì quyền lợi của hai chính phủ.

Việc suốt 50 năm bị cô lập về kinh tế đã đẩy Myanmar vào cảnh khốn cùng. Sự bù đắp của TQ cho Myanmar là rất nhỏ nếu so với những gì Bắc Kinh lấy đi của Naypydaw. Hiện mức sống của người dân quốc gia này bị cho là dưới những nước thuộc loại chậm tiến nhất trong khu vực như Lào hay Campuchia, và bản thân người Myanmar, kể cả các lãnh đạo và tướng lĩnh, đều hiểu rằng nếu không thay đổi thì tài nguyên của nước họ sẽ rơi hết vào tay người TQ.

Việc Tổng thống Thein Sein đình chỉ dự án thủy điện Myitsone được TQ đầu tư nhiều tỷ đô la hồi năm 2011, tiếp đó thực thi cải cách chính trị và kinh tế triệt để theo hướng ngả về phương Tây… ít nhiều khiến Bắc Kinh choáng váng.

Một khi thời cơ tới, người Mỹ không bao giờ bỏ lỡ. Washington dùng chính phương pháp mà Bắc Kinh đã áp dụng với Naypydaw hàng chục năm qua: Kinh tế.

Theo đó, Mỹ và đồng minh sẽ ồ ạt đầu tư kinh tế vào Myanmar, xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, thiết lập các thể chế tài chính có tính ràng buộc cao, từng bước tiến tới chi phối nền kinh tế Myanmar.

Từ chi phối kinh tế, Washington sẽ có điều kiện thúc đẩy “nền dân chủ” đáp ứng lợi ích của Mỹ và đồng minh. Điều đó lý giải vì sao, năm 2012, Mỹ trải thảm đỏ đón bà Aung San Suu Kyi (lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ).

Tám tháng sau, Tổng thống Obama lại dang rộng vòng tay đón Tổng thống Thein Sein (đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển) tại Nhà Trắng.

Theo Tùng Dương
Tiền phong