1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ - Trung từng trên "bờ vực chiến tranh" vào cuối thời Trump

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là từng lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ khi tình hình căng thẳng leo thang trong những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Mỹ - Trung từng trên bờ vực chiến tranh vào cuối thời Trump - 1

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley (Ảnh: Reuters).

Nguồn tin quân sự cho biết quân đội Trung Quốc từng lo ngại về việc Mỹ tìm cách trả đũa Bắc Kinh sau một loạt "hành động khiêu khích" trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo SCMP, một bản ghi nhớ do Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đệ trình lên Thượng viện vào tháng trước cho thấy, ông Milley đã liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc, Tướng Li Zuocheng, vào tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay.

Tướng Milley đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên vào ngày 30/10/2020 sau khi thông tin tình báo cho thấy quân đội Trung Quốc đã nâng mức báo động chiến đấu. Sau đó, ông đã thực hiện một cuộc gọi khác vào ngày 8/1/2021 để trấn an Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không thực hiện một "cuộc tấn công bất ngờ".

Tuy nhiên, nguồn tin của quân đội Trung Quốc cho biết cuộc gọi đầu tiên của Tướng Milley không làm giảm bớt lo ngại của Bắc Kinh. Một tháng sau đó, Trung Quốc tức giận khi một số phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin về chuyến thăm không báo trước của Chuẩn Đô đốc Mỹ Michael Studeman tới Đài Loan.

Truyền thông Đài Loan sau đó đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đang có kế hoạch đến thăm hòn đảo. Điều này càng làm dấy lên sự giận dữ của Bắc Kinh.

"Thông tin đó được đưa ra chỉ vài tuần sau cuộc gọi của Tướng Milley, khiến Bắc Kinh tin rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng "chiến thuật khiêu khích" để thúc đẩy quân đội Trung Quốc thực hiện các biện pháp trả đũa nhằm gây ra xung đột hoặc thậm chí là chiến tranh", nguồn tin cho biết.

"Quân đội Trung Quốc cần biết liệu chuyến thăm Đài Loan của (Đô đốc) Studeman ngụ ý rằng, có những tiếng nói khác nhau tại Lầu Năm Góc ủng hộ kế hoạch (xung đột với Trung Quốc) của ông Trump hay không. Nếu Mỹ kiên quyết làm điều đó, chiến tranh sẽ xảy ra", nguồn tin cho biết thêm.

Quân đội Trung Quốc ngay lập tức chuyển những lo ngại của họ tới các tùy viên quân sự Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Trong khi đó, cấp dưới của Tướng Li Zuocheng cũng cố gắng sử dụng các kênh phi quân sự để bày tỏ quan điểm của họ, bao gồm phát tín hiệu duy trì liên lạc với tổng lãnh sự Mỹ ở Hong Kong.

"Sau vài tuần liên lạc qua một số kênh, Tướng Milley đã thực hiện cuộc gọi thứ hai cho Tướng Li vào tháng 1. Sau đó máy bay của (Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc) Craft đã không hạ cánh xuống Đài Bắc, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo rằng (Ngoại trưởng) Pompeo sẽ không đến thăm hòn đảo", nguồn tin tiết lộ.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, kể cả sử dụng vũ lực.

Sau các vụ việc trên, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang nhiều tháng sau đó.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Knowfar, quân đội Mỹ đã thực hiện ít nhất 17 lần xuất kích máy bay ném bom chiến lược B-52 và B-1B tới gần bờ biển phía nam Trung Quốc trong năm 2020, nhiều hơn so với những năm trước.

Một nguồn tin khác cho biết, vào tháng 6 năm ngoái, Mỹ đã điều các tiêm kích "ong bắp cày" F-18 để theo dõi một tàu trinh sát của quân đội Trung Quốc di chuyển gần eo biển Miyako và các máy bay chiến đấu Mỹ đã dàn dựng một số cuộc tấn công mô phỏng khi bay qua tàu chiến Trung Quốc.

Các vụ việc này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe phải gọi điện cho người đồng cấp Mỹ Mark Esper vào ngày 8/8 để nói rằng cả hai bên nên trao đổi để tránh xung đột.

Theo một nguồn tin khác, Trung Quốc yêu cầu lực lượng quân sự nước này ở Biển Đông "không nổ súng trước trong cuộc đối đầu với lực lượng Mỹ ngay sau cuộc điện thoại của hai bộ trưởng quốc phòng".

Căng thẳng leo thang

Mỹ - Trung từng trên bờ vực chiến tranh vào cuối thời Trump - 2

Các máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. (Ảnh: US Navy)

Theo bản ghi nhớ do Tướng Milley cung cấp, trong giai đoạn cuối của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có thông tin đồn đoán rằng ông Trump dường như cố gắng gia tăng cơ hội thắng cử của mình bằng kế hoạch "tháng 10 bất ngờ" và "tấn công Trung Quốc".

"Các động thái cứng rắn ngày càng tăng của quân đội Mỹ ở Biển Đông khiến Bắc Kinh không biết phải phản ứng thế nào, đặc biệt là khi những đồn đoán về "tháng 10 bất ngờ" được truyền thông trong và ngoài nước lan truyền. Những gì quân đội Trung Quốc có thể làm là tăng cường mức độ sẵn sàng để đối phó với các máy bay và tàu chiến ngày càng tăng của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đến gần Trung Quốc", Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết.

Ngày 21/10/2020, các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin cả 5 quân khu của quân đội Trung Quốc đều được đặt trong tình trạng "cảnh giác cao độ" để sẵn sàng ứng phó trước tình hình căng thẳng trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và các quan chức Mỹ đã chỉ đạo Tướng Milley liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc.

Chuyên gia Zhou nói rằng những cam kết mạnh mẽ giữa quân đội Mỹ - Trung trong 2 tháng cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump đã giúp xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, tình hình trở nên tồi tệ hơn sau thất bại trong cuộc bầu cử của ông Trump. Bộ trưởng Esper, người được quân đội Trung Quốc coi là đối tác chuyên nghiệp và đáng tin cậy của Mỹ, bị ông Trump sa thải vào ngày 9/11, sau đó là quyết định từ chức của một số sĩ quan quân đội cấp cao tại Lầu Năm Góc.

"Quân đội Trung Quốc phải đối phó với 5 người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm của ông Trump, bạn có thể tưởng tượng họ đã thất vọng như thế nào", chuyên gia Zhou nói, đề cập đến các Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Mark Esper và 3 quyền bộ trưởng.

Những lo ngại về một cuộc tấn công bất ngờ giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên khi những người ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ vào ngày 6/1. 2 ngày sau, Tướng Milley gọi lại cho Tướng Li.

"Tôi chắc chắn rằng Tổng thống Trump không có ý định tấn công Trung Quốc, và trách nhiệm trực tiếp của tôi là truyền đạt ý định đó cho phía Trung Quốc. Thông điệp của tôi vẫn nhất quán. Hãy bình tĩnh, ổn định và giảm leo thang", Tướng Milley nói tại phiên điều trần trước quốc hội hôm 28/9, bảo vệ mình trước cáo buộc của ông Trump và một số đảng viên Cộng hòa rằng ông không trung thành với đất nước.

Ngày 30/1, các báo cáo tình báo của Mỹ xác nhận quân đội Trung Quốc đã giảm mức độ sẵn sàng chiến đấu trong khu vực.

Cuộc gọi của Tướng Milley với phía Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi. Giới chính khách và quân sự Mỹ vẫn chia rẽ về việc ủng hộ hay phản đối hành động của ông Milley. Cựu Tổng thống Trump và các thành viên của đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt Tướng Milley, thậm chí kêu gọi ông Milley từ chức và xét xử ông vì tội phản quốc.

Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ từng phụ trách các mối quan hệ với Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Mông Cổ, cho biết tài liệu đã chứng minh rằng Tướng Milley chỉ đang làm công việc của mình.

Người phát ngôn của Tướng Milley, Đại tá Dave Butler, cho biết các cuộc gọi của ông Milley với quan chức quốc phòng của các nước khác "đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết lẫn nhau về lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, giảm căng thẳng, đảm bảo sự rõ ràng và tránh những hậu quả hoặc xung đột ngoài ý muốn".