1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc có thể "ngư ông đắc lợi" từ hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát đánh giá Trung Quốc có thể rút ngắn khoảng cách về số lượng vũ khí hạt nhân với Nga và Mỹ, sau khi Moscow và Washington gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân START mới.

Trung Quốc có thể ngư ông đắc lợi từ hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ - 1

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc (Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã)

Theo SCMP, việc Nga và Mỹ đồng ý kéo dài hiệp ước START mới tới năm 2026 không chỉ ngăn một cuộc chạy đua vũ trang vượt ngoài tầm kiểm soát mà còn có thể mang lại cho Trung Quốc cơ hội 5 năm để rút ngắn khoảng cách với 2 cường quốc quân sự hàng đầu, vốn sở hữu 90% tổng đầu đạn trên toàn thế giới.

Vào những năm 1980, Mỹ và Liên Xô cũ mỗi bên sở hữu trên 10.000 đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên, số lượng này đã bị cắt giảm xuống khoảng 5.000 - 6.500 theo hiệp ước START mới. Mục tiêu cuối cùng của thỏa thuận này là các bên sẽ giảm số đầu đạn xuống 1.550 mỗi bên.

Trung Quốc không công bố họ có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân, nhưng một đánh giá của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) cho rằng Bắc Kinh có 320 đầu đạn.

Tuy nhiên, một nguồn thạo tin với quân đội Trung Quốc nói với SCMP rằng kho đầu đạn hạt nhân của nước này đã tăng lên 1.000 vào những năm gần đây, nhưng chỉ có ít hơn 100 đầu đạn có khả năng hoạt động.

Nguồn tin cho biết từ những đời lãnh đạo trước, Bắc Kinh dường như chủ trương rằng nước này không cần quá nhiều vũ khí đắt tiền vì chi phí duy trì và bảo dưỡng sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, một chuyên gia quân sự Hong Kong nói rằng Trung Quốc có thể dùng 5 năm từ nay tới 2026 để rút ngắn khoảng cách hiện đại hóa hạt nhân với Nga và Mỹ.

Năm 2018, Trung Quốc tiết lộ tên lửa hành trình CJ-20 có thể mang cả đầu đạn thường và hạt nhân, và nó có tầm hoạt động 2.000 km. Điều này cho thấy, Bắc Kinh dần bắt kịp với Mỹ và Nga ở một mức độ nào đó.

Mặc dù vậy, một chuyên gia Trung Quốc cho rằng điều trên cho thấy Bắc Kinh mới chỉ hoàn thành yêu cầu ban đầu về năng lực tấn công hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ và Nga đã hoàn thiện hầu hết bộ 3 hạt nhân đầu những năm 1960 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Mặt khác, các nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho rằng dù Bắc Kinh có thể được hưởng lợi từ việc Nga - Mỹ gia hạn hiệp ước START mới, nhưng Trung Quốc vẫn có thể phải chịu thêm áp lực dồn dập từ Washington để buộc phải tham gia thỏa thuận này.

Rose Gottemoeller, cựu quan chức kiểm soát vũ khí hàng đầu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định rằng chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden được cho sẽ cố gắng để đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán về vấn đề này.

Trong khi đó, David Santoro, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc về chính sách hạt nhân tại Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc tổ chức CSIS (Mỹ), nói rằng nếu Mỹ và Nga muốn đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán, họ cũng cần phải đưa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Pakistan hay Triều Tiên vào cùng.

"Các cuộc đàm phám kiểm soát vũ khí giữa Mỹ - Nga - Trung là có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc kiểm soát vũ khí đa phương có khả năng thành công nhiều hơn nếu bao gồm toàn bộ hoặc hầu hết các nước có vũ khí hạt nhân", chuyên gia Santoro  nhận định.