1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tranh cãi nảy lửa việc dỡ bỏ tượng lịch sử "nhạy cảm"

(Dân trí) - Giữa lúc nổ ra làn sóng biểu tình kêu gọi công bằng sắc tộc, nước Mỹ đang chứng kiến những tranh cãi về việc có nên bỏ những công trình gợi nhắc nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa nô lệ hay không.

Mỹ tranh cãi nảy lửa việc dỡ bỏ tượng lịch sử nhạy cảm - 1

Một đài tưởng niệm những cái chết vô danh của Liên minh miền Nam bị phá hoại (Ảnh: AFP)

Theo Sputnik, các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa hiện đang nỗ lực vận động xóa bỏ những bức tượng và dấu hiệu gợi nhắc tới Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ thế kỷ 19.

Liên minh miền Nam gồm 11 bang ủng hộ chế độ nô lệ, vì vậy, các bức tượng tôn vinh lực lượng này được xem là dấu hiệu gợi nhớ về chế độ nô lệ và sự áp bức.

Cuộc vận động trên đang nhận được sự quan tâm của nhiều người Mỹ trong bối cảnh nước này đang chìm trong phong trào biểu tình đòi công bằng sắc tộc vì vụ công dân da màu George Floyd bị chết sau khi bị một cảnh sát da trắng chẹt cổ bằng đầu gối.

Tại một số bang, phong trào giật đổ tượng có liên quan tới chế độ nô lệ, đàn áp sắc tộc, chế độ da trắng thượng đẳng đã diễn ra trong nhiều ngày qua với nhiều công trình lịch sử “nhạy cảm” đã bị kéo sập, ném bỏ, thiêu cháy.

Người biểu tình thiêu cháy, ném bỏ tượng nhà thám hiểm tìm ra châu Mỹ

Tại cơ quan lập pháp, Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã thông qua sửa đổi dự luật nhằm loại bỏ những cái tên liên quan tới Liên minh miền Nam khỏi các căn cứ quân sự và các cơ sở khác của Lầu Năm Góc trong vòng ba năm tới. Đầu tuần này, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ quan trên “cởi mở với các cuộc thảo luận lưỡng đảng về chủ đề này”.

Mặc khác, phe Dân chủ lại ủng hộ sáng kiến loại bỏ những di sản lịch sử có tính “nhạy cảm” trong bối cảnh người biểu tình phong trào “Mạng sống của người da màu có giá trị” vẫn tiếp tục đập bỏ những bức tượng mà họ đánh giá là tôn vinh chế độ nô lệ và những người từng đàn áp người da màu.

Mỹ tranh cãi nảy lửa việc dỡ bỏ tượng lịch sử nhạy cảm - 2

Tượng Jefferson Davis, tổng thống Liên minh niềm Nam trong Nội chiến Mỹ bị kéo sập (Ảnh: Richmond Times)

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi kêu gọi loại bỏ 11 bức tượng đại diện cho lãnh đạo và quân nhân của Liên minh miền Nam ra khỏi khu vực Đồi Capitol, nơi Mỹ đặt tòa nhà Quốc hội.

“Những bức tượng đó tôn sùng sự thù ghét, không phải là di sản. Chúng cần bị loại bỏ”, bà Pelosi cho biết.

Theo chuyên gia về lịch sử Mỹ Peter Kuznick, nước này cần “thẳng thắn đối diện” với những gì đã xảy ra trong thời kỳ áp dụng chế độ nô lệ. Ông cho rằng những nỗ lực xóa bỏ các dấu vết của tượng Liên minh miền Nam, thay tên căn cứ quân sự, chỉnh sửa lại chính xác hơn nội dung môn lịch sử ở các trường học cần phải được thực hiện. Ông cho rằng người Mỹ “phải tận dụng thời khắc này để thay đổi” những điều trên.  

​Những ý kiến trái chiều

Mỹ tranh cãi nảy lửa việc dỡ bỏ tượng lịch sử nhạy cảm - 3

Tượng nhà thám hiểm tìm ra châu Mỹ Christopher Columbus bị mất đầu, ném xuống hồ (Ảnh: Global News)

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ quan điểm phản đối ý tưởng sửa đổi nói trên của các nghị sĩ. Ông cho rằng các bức tượng và những căn cứ quân sự hoành tráng là một phần của "di sản vĩ đại của nước Mỹ".

Ông từ chối việc thay đổi hiện trạng, nhấn mạnh rằng "lịch sử của chúng ta như là quốc gia vĩ đại nhất thế giới sẽ không bị làm lộn xộn". 

Nhiều người cũng có quan điểm tương đồng với ông Trump. Nhà hoạt động chính trị, nhà bình luận Pamela Geller không đồng tình với những kêu gọi từ phe Dân chủ, cho rằng đảng này đang “nỗ lực làm người Mỹ xấu hổ về quá khứ của mình”.

“Hãy nhớ rằng 600.000 người Mỹ đã chết trong cuộc nội chiến đẫm máu để kết thúc chế độ nô lệ và luôn có những nhà lãnh đạo chính trị đấu tranh cho quyền công dân. Phe cánh tả đang khiến chúng ta quên đi các sự thật đó”, Geller nói, nhấn mạnh rằng việc xóa bỏ các bức tượng sẽ “không có ý nghĩa gì ngoài việc làm sự chia rẽ trong nội bộ Mỹ thêm sâu sắc”.

“Nhiều người Mỹ không muốn lịch sử bị xóa bỏ và sẽ tức giận vì điều này”, Geller dự đoán.

Khoảnh khắc tượng đổ đè vỡ đầu người biểu tình Mỹ

Nhà hoạt động về chống phân biệt chủng tộc Tim Wise nhận định rằng: “Loại bỏ các bức tượng Liên minh miền Nam sẽ không giải quyết được thực tại về sự bất cân bằng chủng tộc. Đó chỉ là những biểu tượng. Để yên cho chúng tồn tại hay gỡ bỏ chúng xuống đều có thể gửi đi các thông điệp. Câu hỏi là liệu thông điệp nào sẽ tốt hơn”.

Cây viết điều tra Charles Ortel cho rằng việc phá bỏ các bức tượng lịch sử “sẽ khiến thế hệ tương lai không hiểu sâu sắc về suy nghĩ của tổ tiên trong quá khứ. Nếu bức tượng tôn sùng người từng làm điều sai trái, hãy để nó đứng yên như một lời cảnh báo” để thế hệ sau không phạm sai lầm lần nữa.

Đức Hoàng

Theo Sputnik