1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ tính lập căn cứ quân sự tại "tử huyệt" sát vách Nga

(Dân trí) - Ba Lan và Mỹ được cho là đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự của Washington tại vùng giáp biên giới với Kaliningrad, phần lãnh thổ tách rời của Nga gần biển Baltic.


Các thành viên đội đặc nhiệm Ba Lan tham gia cuộc tập trận của NATO tại vùng tây bắc Ba Lan năm 2014. (Ảnh: Reuters)

Các thành viên đội đặc nhiệm Ba Lan tham gia cuộc tập trận của NATO tại vùng tây bắc Ba Lan năm 2014. (Ảnh: Reuters)

Các nguồn tin ngoại giao Ba Lan đã nói với báo Izvestiya của Nga rằng một căn cứ quân sự của Mỹ sẽ sớm xuất hiện tại khu vực rất gần với vùng Kaliningrad của Nga. Mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, song vị trí để thiết lập căn cứ này dường như đã được chọn.

Khu vực dự kiến sẽ đặt căn cứ quân sự của Mỹ tại Ba Lan là thị trấn Orzysz, nơi cách Kaliningrad chỉ 140km. Một trong số các lợi thế khi Mỹ chọn triển khai tại Orzysz vì đây là khu vực có vị trí rất gần với biên giới Nga. Ngoài ra, đây cũng là nơi có cơ sở hạ tầng cần thiết, bao gồm khu vực huấn luyện.

Một lợi thế khác của việc đặt căn cứ quân sự Mỹ tại Orzysz vì đây là vị trí quan trọng ở Ba Lan, nơi có thể tiến hành các chiến dịch quân sự tấn công cũng như phòng vệ. Các chuyên gia Ba Lan tin rằng việc triển khai binh sĩ tại Orzysz không chỉ nâng cao năng lực phòng thủ của khu vực đông bắc Ba Lan, mà còn của các nước Baltic.

Theo các chuyên gia, sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ tại Orzysz sẽ bảo đảm năng lực phòng thủ hiệu quả hơn cho cả lãnh thổ Ba Lan. Tuy vậy, Mỹ khó có thể triển khai lực lượng quân sự hùng hậu, xét cả về nhân lực và sức mạnh tác chiến, chỉ tại một căn cứ quân sự duy nhất. Viễn cảnh khả thi nhất là Mỹ sẽ triển khai một lữ đoàn hoặc một sư đoàn tại đây.


Bản đồ vùng Kaliningrad và Ba Lan. (Ảnh: BBC)

Bản đồ vùng Kaliningrad và Ba Lan. (Ảnh: BBC)

Hồi tháng 9, chính phủ Ba Lan từng đề xuất ý tưởng cho phép Mỹ xây dựng một căn cứ quân sự ở Ba Lan lấy biệt danh là “Fort Trump”. Hiện có khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Ba Lan theo hình thức luân phiên. Giới nghị sĩ Ba Lan dường như cho rằng việc cho phép các binh sĩ Mỹ hiện diện thường trực tại nước này sẽ giúp nâng cao an ninh trong khu vực.

Tuy vậy, việc NATO tăng cường hiện diện ở cửa ngõ của Nga có thể sẽ khiến Moscow nổi giận. Nga luôn cho rằng các hoạt động quân sự ngày càng tăng của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Đông Âu là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Nga từng cảnh báo nếu Mỹ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ba Lan, Moscow sẽ có biện pháp đáp trả.

Vùng Kaliningrad rộng 227 km2 giáp với Ba Lan và Lithuania, được coi là khu vực trọng yếu của Nga trong chiến lược đối phó với NATO. Nga đã triển khai dàn khí tài quân sự hùng hậu tới đây, bao gồm hệ thống phòng không S-400 hiện đại, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander. Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ (FAS) còn cho rằng Nga có thể đang cất trữ vũ khí hạt nhân tại một boong-ke ngầm dưới lòng đất mới được cải tạo gần đây ở Kaliningrad.

Kaliningrad là một khu vực biệt lập có chủ quyền của Nga trên bờ biển Baltic, sát cạnh một dải đất rộng 65 km nối giữa Lithuania và Ba Lan mang tên "Hành lang Suwalki" (Ba Lan). Hành lang Suwalki nằm gọn trong khu vực đặt hệ thống phòng thủ trên không của Nga đặt tại Kaliningrad, một phía khác lại giáp với đồng minh Belarus của Moscow, vì vậy nó được coi là “tử huyệt” của NATO.

Thành Đạt

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm