Mỹ sẽ đưa hàng nghìn quân tới châu Á - Thái Bình Dương đối phó Trung Quốc
(Dân trí) - Mỹ dường như cho rằng thời thế đã có sự thay đổi và nước này có thể đang điều chỉnh việc phân bổ lực lượng tới “điểm nóng” mới ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc.
Nikkei đưa tin, khi phải đối mặt với “thách thức địa chính trị lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh” ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ điều chỉnh lực lượng tại các khu vực trên thế giới để kiềm tỏa những mối đe dọa.
Hàng nghìn quân nhân đang đồn trú tại Đức dự kiến sẽ được triển khai tới các căn cứ Mỹ ở Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Australia, theo Nikkei.
Các ưu tiên đã thay đổi. Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà chiến lược quốc phòng Mỹ cho rằng việc duy trì một lực lượng mặt đất khổng lồ tại châu Âu có thể đối trọng với Liên Xô. Vào những năm 2000, Mỹ chuyển hướng quan tâm sang khu vực Trung Đông, nơi họ tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” ở các nước như Iraq, Afghanistan.
Trong một bài viết đăng tải trên Wall Street Journal tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho rằng để đối phó với “2 đối thủ mạnh” là Trung Quốc và Nga, “lực lượng Mỹ cần phải được triển khai ở nước ngoài theo cách hướng về tuyến đầu và viễn chinh hơn so với vài năm qua”.
Mỹ dự kiến sẽ rút bớt quân đang đồn trú dài hạn ở Đức từ 34.500 xuống 25.000. Khoảng 9.500 người được cho sẽ được phân công tới một số quốc gia châu Âu, tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hoặc trở về Mỹ.
Tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông O'Brien thừa nhận Mỹ và đồng minh đang đối mặt với thách thức địa chính trị lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo Nikkei, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đổ tiền vào quân sự. Sách trắng quốc phòng của chính phủ Nhật Bản ước tính rằng chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc nhiều hơn con số mà Bắc Kinh công bố hàng năm.
Xu hướng của quân đội Mỹ
Các nhà phân tích chỉ ra 3 xu hướng của kế hoạch vận hành toàn cầu của quân đội Mỹ. Một là sự dịch chuyển địa lý từ châu Âu sang Trung Đông rồi sang châu Á - Thái Bình Dương. Hai là sự dịch chuyển từ chiến đấu trên đất liền sang phối hợp tác chiến hải quân - không quân. Thứ 3, là mong muốn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Kế hoạch của ông O'Brien được cho là thỏa mãn cả 3 khía cạnh nói trên.
Về địa chính trị, sự chuyển dịch trong tâm rời xa Trung Đông bắt nguồn từ cách mạng dầu đá phiến của Mỹ. Mỹ được cho hiện không phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng ở Vùng Vịnh như trước khiến lợi ích của họ tại khu vực không còn quá lớn.
Năm 2011, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama bắt đầu chính sách xoay trục hướng sang châu Á khi họ dường như nhận ra việc Mỹ tập trung vào Trung Đông đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trỗi dậy.
Về mặt chiến lược, Mỹ hiện đang tập trung nguồn lực vào hải quân và không quân, vì mối đe dọa từ một cuộc tấn công mặt đất quy mô lớn ở châu Âu dường như đã không còn quá lớn.
Trong kịch bản xảy ra xung đột với Trung Quốc, Mỹ được cho sẽ sử dụng lực lượng thủy quân lục chiến, hải quân và không quân để tiến hành chiến đấu. Đó là vì những khu vực mà Mỹ - Trung đối đầu nhau nhiều khả năng đều là trên biển từ Biển Đông, Biển Hoa Đông cho tới Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Xu hướng thứ 3 chính là vấn đề chi phí. Ông Trump từng nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng về việc Mỹ phải chi số tiền lớn để triển khai quân nhân trên toàn cầu, và không ít lần gây áp lực buộc các nước cho quân đội Mỹ đồn trú như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc phải chia sẻ gánh nặng tài chính.
Trong động thái gần nhất, ông Trump tiết lộ sẽ chuyển quân đồn trú từ Đức tới Ba Lan trong bối cảnh quốc gia Đông Âu sẵn lòng chi trả chi “phí bảo vệ” cao hơn cho Mỹ.
Đức Hoàng
Theo Nikkei