Mỹ sẽ đầu tư sản xuất vắcxin cúm tại Việt Nam
Mỹ sẽ chi 18 triệu USD cho các nỗ lực sản xuất và thử nghiệm vắc xin cúm người ở Việt Nam. Ngoài ra chính phủ Mỹ và Trung Quốc hôm 1/11 đã đồng ý thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, trao đổi thông tin liên quan đến việc phòng chống cúm gia cầm.
Việc đầu tư sản xuất vắcxin cúm người ở Việt Nam nằm trong chiến lược của chính phủ Bush nhằm chuẩn bị cho một đại dịch cúm tiềm tàng. Bộ trưởng Y tế Mỹ Michael Leavitt vào tháng trước đã đi tìm hiểu tình hình cúm gia cầm ở một số nước Đông Nam Á và đã gặp gỡ các nhà khoa học Việt Nam đang nỗ lực phát triển một loại vắcxin ngừa cúm gia cầm. Ông Leavitt cho biết ông đã đề nghị hỗ trợ Việt Nam thử nghiệm tính hiệu quả của vắcxin này.
Người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Dick Thompson hôm 1/11 tuyên bố ông tin Việt Nam có khả năng sản xuất vắcxin ngừa cúm gia cầm ở người. Các cuộc thí nghiệm vắcxin cũng đang được xúc tiến ở các nước khác, nhưng ông Leavitt cho rằng đang có một sự thiếu hụt năng lực sản xuất vắcxin trên toàn thế giới.
Tổng thống (TT) Mỹ Bush hôm 1/11 đã đề nghị Quốc hội Mỹ chuẩn chi 7,1 tỉ USD cho “Chiến lược quốc gia phòng chống đại dịch cúm”.
Dù đưa ra một cam kết chống cúm gia cầm “đồ sộ” như trên, TT Bush và các quan chức khác cũng cảnh báo người dân không nên hoảng sợ về hiểm họa đại dịch cúm gia cầm ở người. Tại cuộc họp về cúm gia cầm của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Brisbane hôm 1/11, đại sứ Australia tại APEC Doug Chester cho biết những lo ngại của công chúng về khả năng xảy ra đại dịch cúm gia cầm đã tác động đến ngành du lịch và gia cầm ở một số nước.
Mặc dù vậy, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra đại dịch cúm ở người, Ngoại trưởng Australia Alexander Downer hôm qua tuyên bố APEC có thể thực hiện một cuộc diễn tập chung trên toàn khu vực. Vấn đề phòng chống dịch cúm gia cầm cũng là đề tài ưu tiên tại hội nghị cấp cao lần 2 của tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-ChaoPhraya-Mekong (ACMECS) khai mạc hôm qua tại Bangkok, quy tụ các nhà lãnh đạo của Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.
Tại cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc về cúm gia cầm ở Bắc Kinh hôm qua, phía Mỹ đã kêu gọi thận trọng trong việc cấm nhập gia cầm vì các biện pháp quá mức có thể khiến các chính phủ che giấu thông tin về các ổ bệnh mới.
Trong khi đó, theo thông báo hôm 1/11 của hãng Roche, Tập đoàn Dược phẩm Thượng Hải đã liên lạc với hãng này về việc sản xuất thuốc Tamiflu tại Trung Quốc. Indonesia hiện cũng đã dự trữ 750.000 viên Tamiflu và dự định tăng lượng dự trữ lên 22 triệu viên.
Theo Trùng Quang
Người lao động/AP, Reuters, AFP