Mỹ sẽ chậm chân khi Địa Trung Hải có biến
Việc 2 hạm đội Nga đồng thời hiện diện tại Địa Trung Hải đã mang lại lợi thế rất lớn cho Moskva trước Mỹ trong trường hợp khu vực này có biến.
Mỹ sẽ chậm chân
Hiện nay, Hải quân Mỹ đang triển khai 1 biên đội tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower tham gia cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria. Tàu sân bay này đã vào Địa Trung Hải từ hồi giữa tháng 6 vừa qua để thay thế cho nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman trở về Mỹ.
Hiện con tàu này cùng biên đội hộ tống đều đang hiện diện ở vịnh Ba Tư (vịnh Persian). Và khi cần có thể ngay lập tức quay sang Biển Đỏ (Hồng Hải) vào Địa Trung Hải theo kênh đào Suez. Tuy nhiên, dù có hiện diện ở đây thì cả biên đội của nó đều thất thế trước cụm tàu Nga.
Bởi theo biên chế của Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower được hộ tống bởi 2 tàu tuần dương Jacinto và Monterey, tàu khu trục USS Mason, USS Nitze và một tàu ngầm hạt nhân.
Và với trang bị này và cùng với khoảng cách từ vịnh Persian đến kênh đào Suez, nhóm tàu sân bay Mỹ phải cần tới hàng tuần liền để di chuyển và tiến vào Địa Trung Hải. Như vậy, Mỹ gần như sẽ không thể phản ứng kịp trong trường hợp có biến tại Địa Trung Hải.
Nga áp đảo
Trước lực lượng có thể triển khai của Mỹ đến Địa Trung Hải và động thái của Nga cho thấy, Lầu Năm Góc hoàn toàn có lý do để lo lắng. Bởi hôm 15/10, nhóm tàu chiến của Hạm đội Biển Bắc dẫn đầu bởi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và tuần dương hạm hạt nhân Peter Đại đế (Pyotr Velikiy) đã nhổ neo rời quân cảng của Hạm đội thẳng tiến đến Địa Trung Hải.
Thành phần biên đội bao gồm tàu sân bay động cơ thông thường mang tên Đô đốc Kuznetsov, tuần dương hạm tên lửa hạt nhân hạng nặng Peter Đại đế, hai khu trục hạm chống ngầm cỡ lớn Severomorsk và tàu Phó Đô đốc Kulakov, cùng với một số tàu bảo đảm, hậu cần khác.
Hiện nay lực lượng của Hạm đội Biển Đen thường trực ở Địa Trung Hải có khoảng 10 tàu, dẫn đầu là tuần dương hạm Project 1164 lớp Atlant mang tên Moskva (kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen). Ngoài ra, còn có các tàu khu trục chống ngầm và tàu chiến cỡ nhỏ mang tên lửa Kalibr.
Với sự bổ sung lực lượng, Hạm đội Nga ở Địa Trung Hải đã hiện diện 1 tàu sân bay với đầy đủ tiêm kích hạm và 2 tuần dương hạm rất mạnh cùng với ít nhất 5 tàu tên lửa các loại (có cả tên lửa hành trình Kalibr) cùng vài khu trục hạm chuyên chống ngầm cỡ lớn.
Ngoài ra, rất có thể ở Địa Trung Hải sẽ có 1-2 tàu ngầm hạt nhân của hạm đội Biển Bắc và vài tàu ngầm thông thường lớp Varshavyanka (Kilo) của Hạm đội Biển Đen. Hầu như là những lực lượng tinh túy nhất của hải quân Nga đã hiện diện trên Địa Trung Hải để sẵn sàng áp đảo biên đội tàu sân bay Mỹ.
Nhìn số lượng tàu này, chỉ còn thêm 2 tuần dương hạm là Varyag (kỳ hạm của Hạm đội Thái Bình Dương) và tuần dương hạm Marshal Ustinov thuộc biên chế Hạm đội biển Bắc (đều thuộc lớp Atlant) nữa là hiện diện đủ các chiến hạm mạnh nhất của Nga.
Đây là lực lượng mạnh nhất mà Nga huy động đến Địa Trung Hải trong hơn 20 năm qua. Vậy tại sao Nga lại chọn thời điểm nay để 2 hạm đội cùng hội tụ tại Địa Trung Hải?
Theo nhận định của một số chuyên gia, quyết định này của Moskva gần như có liên quan đến việc Mỹ rút biên đội tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Địa Trung Hải về nước hồi tháng 6/2016. Quyết định này khiến Mỹ để lại khoảng trống "quyền lực" rất lớn tại khu vực đầy biến động.
Theo Tuấn Hưng
Đất Việt