1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ sắp tung loạt dự án đối trọng Vành đai, con đường của Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ dự kiến đầu tư vào 5-10 dự án hạ tầng quy mô lớn khắp thế giới vào tháng 1/2022, một phần trong sáng kiến nhằm đối trọng sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc.

Mỹ sắp tung loạt dự án đối trọng Vành đai, con đường của Trung Quốc - 1

Mỹ và các nước G7 đưa ra sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đối trọng Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc (Ảnh minh họa: Getty).

Reuters ngày 8/11 dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho hay, một phái đoàn của Mỹ do Phó cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ, ông Daleep Singh, đã đề cập đến ít nhất 10 dự án triển vọng ở Senegal và Ghana trong chuyến công du các nước này hồi tuần trước.

Đây là một phần trong sáng kiến có tên "Build Back Better World" (Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn - B3W) được lãnh đạo các nước G7 đưa ra hồi tháng 6. Sáng kiến của G7 được cho là nhằm tạo đối trọng với sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc - một sáng kiến nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới. Các kế hoạch trên dự kiến sẽ được hoàn tất tại cuộc họp của G7 vào tháng 12 tới.

Hồi tháng 9, một phái đoàn của Mỹ đã thăm Ecuador, Panama, Colombia. Giới chức Mỹ dự kiến sẽ có chuyến công du các nước châu Á trước cuối năm nay, nhưng chưa tiết lộ cụ thể là quốc gia nào.

B3W được coi là lựa chọn thay thế cho sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc, giúp các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn vay không phải từ Trung Quốc để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Quan chức Mỹ cho biết, Washington sẽ sử dụng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm cho vay có bảo lãnh, hỗ trợ chuyên gia về khí hậu, y tế, công nghệ. Các dự án có thể khởi động vào đầu năm sau. Những dự án này bao gồm lập một trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Phi ở Senegal, tăng cường nguồn cung năng lượng tái chế, thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, thu hẹp khoảng cách công nghệ.

Giới chức Senegal và Ghana hoan nghênh cam kết của Mỹ, theo đó, Mỹ sẽ không yêu cầu thỏa thuận giữ bí mật hay thỏa thuận thế chấp có thể dẫn đến việc chủ nợ nắm giữ cảng biển hoặc sân bay của nước vay vốn.