1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ "ra rìa" khi Nga có thêm căn cứ tại Trung Đông

Theo tờ Tages Anzeiger, việc Nga gia tăng thế lực ở Trung Đông - Bắc Phi đang từng bước đẩy Mỹ "ra rìa" tại khu vực chiến lược này.

Iran sẵn sàng, Lybia bật đèn xanh

Theo Reuters, ngày 28/3, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết, Nga có thể sử dụng các căn cứ quân sự của Iran để đối phó với khủng bố tại Syria. Các vấn đề khu vực, bao gồm cuộc xung đột Syria có thể được đưa ra thảo luận tại cuộc họp ở điện Kremlin trong ngày 28/3.

Hồi năm ngoái, Nga đã sử dụng một căn cứ không quân tại Iran để tiến hành các vụ tấn công nhằm vào những mục tiêu khủng bố ở Syria. Đây là lần đầu tiên một cường quốc bên ngoài sử dụng căn cứ Iran kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Nhưng việc sử dụng căn cứ này sau đó bị dừng lại, khi một số nghị sĩ Iran cho rằng điều này vi phạm hiến pháp. Ông Zarif cho rằng Nga không có căn cứ quân sự tại Iran. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt cần đối phó với chủ nghĩa khủng bố, vấn đề này sẽ được Iran cân nhắc.

Cùng với sự sẵn sàng của Iran, Lybia cũng được cho là đang chủ động mời Nga mở căn cứ quân sự tại quốc gia này, tờ Tages Anzeiger cho biết.

Máy bay Nga dùng căn cứ quân sự tại Iran không kích khủng bố hồi năm 2016.
Máy bay Nga dùng căn cứ quân sự tại Iran không kích khủng bố hồi năm 2016.

Theo tờ báo này, các liên minh chính trị-quân sự cũ trong khu vực, chủ yếu được hình thành xoay quanh trục chính là Mỹ và một số đồng minh Ả rập như Saudi Arabia, UAE, Qatar… sẽ bị giải tán và thay thế chúng là "trật tự mới đa cực" do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng.

Nhà báo Paul Anton Kruger viết trong bài viết trên tờ Tages Anzeiger rằng, sau khi hoàn thành sứ mệnh quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria hồi tháng 1 vừa qua, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga đã ghé cảng Torbuk của Libya trong vài giờ.

Sau đấy, đã diễn ra một hội nghị truyền hình giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và ông Khalifa Haftar - Tổng Tư lệnh quân đội của chính quyền Libya được quốc tế công nhận.

Theo thông tin chính thức, các ông Shoigu và Haftarah đã bàn về hợp tác chống khủng bố. Tuy nhiên, "các nguồn tin thân cận với chính phủ" khẳng định, hai quan chức này đã thảo luận kế hoạch Nga trở lại Trung Đông, đồng thời triển khai hai căn cứ quân sự ở Tobruk và Benghazi của Lybia.

Bài báo nhận định, sau những hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi bị giết... việc chính phủ Libya không ngăn nổi sự sụp đổ của nhà nước vào năm 2015 là "một cơ hội cho Moscow".

Không chỉ có quan hệ tốt với Chính phủ quốc gia Libya, quản lý khu vực miền Tây đất nước (được các nước phương Tây hỗ trợ), Nga còn có quan hệ rất tốt với "Nghị viện Libya" ở thành phố Tobruk, quản lý khu vực miền Đông đất nước, do Tướng Haftorah lãnh đạo.

Một số phương tiện truyền thông cũng đã từng nhận định rằng, Nga đang gia tăng ảnh hưởng tại Libya và trong tương lai, Nga sẽ triển khai căn cứ quân sự ở quốc gia này, giúp họ đánh khủng bố IS, biến Libya thành một "Syria thứ 2".

Không chỉ tại Trung Đông

Ông Paul Anton Kruger nhận định rằng, tuy Nga chưa thể "đuổi..." Mỹ khỏi Trung Đông bởi Moscow có nhiều nguyên nhân, nhưng sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã đè bẹp sự thống trị của Mỹ trong khu vực.

Theo tác giả, nhiều chuyên gia phân tích đã xác định các liên minh truyền thống lâu đời ở Trung Đông sẽ dần dần nhường chỗ cho các “liên minh chiến thuật” (hay còn gọi là Liên minh tạm thời) và một “trật tự đa cực” mới sẽ được tạo ra, trong đó, vai trò của Mỹ là không đáng kể.

Ví dụ điển hình là những nỗ lực của Moscow giải quyết cuộc khủng hoảng Syria cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và phần nào đó là Iran. Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin cũng có được quan hệ tốt với "đồng minh truyền thống của Mỹ" là nhà lãnh đạo của Ai Cập Abdel Fattah El Sisi.

Hiện đang có thông tin cho rằng, ở hướng chiến lược Địa Trung Hải, ngoài các căn cứ quân sự Tartous và Hmeymim ở Latakia/Syria thì Nga đang hết sức chú ý đến vị thế quan trọng của Ai Cập. Theo đó, Moscow đang muốn đàm phán để khôi phục lại các căn cứ quân sự Liên Xô.

Tờ báo Nga Izvestia dẫn nguồn từ giới ngoại giao và quốc phòng Nga đưa tin rằng, Moscow đang đàm phán với Cairo về việc cho Nga thuê một số căn cứ quân sự của Ai Cập, trong đó có căn cứ không quân Xô-viết tại thành phố Sidi-Barrani.

Đây là thành phố biển rất quan trọng nằm trên dải bờ biển phía Tây Bắc của Ai Cập và ven bờ phía nam của Địa Trung Hải, nằm khá gần kênh đào Suez, nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ.

Cùng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một tiếng nói hàng đầu ở Syria, nhưng Ankara vẫn còn kém về nhiều mặt và có vô số những mâu thuẫn nội bộ và khúc mắc với nước ngoài cần phải giải quyết.

Tuy nhiên, ông Paul Anton Kruger nhận định rằng, các vấn đề kinh tế và chính trị chưa cho phép cả ba nước Nga-Syria và Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng được những cơ cấu quản lý mới và thể hiện vai trò rõ ràng trong khu vực, tuy nhiên, việc làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực được coi là thành công lớn trong chiến lược của Nga.

Theo Đan Nguyên

Đất Việt