1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nâng cấp cảng Tartus: Chiến lược làm chủ Trung Đông?

Với việc nâng cấp cảng Tartus ở Syria, Nga sẽ dễ dàng đối phó với Mỹ, NATO cũng như làm chủ khu vực Trung Đông.

Nga nâng cấp cảng Tartus ở Syria

Ngày 15/1, hãng thông tấn Interfax cho biết Nga đang lên kế hoạch mở rộng và nâng cấp căn cứ không quân, hải quân ở Syria.

Theo đó, Nga sẽ khởi động kế hoạch tu sửa một đường băng thứ 2 tại căn cứ không quân Hmeymim gần thành phố cảng Latakia ở phía Tây Syria. Cùng với đó, căn cứ hải quân Tartus cũng sẽ được nâng cấp để có thể tiếp nhận các tàu lớn hơn như tàu tuần dương.

Nga đang lên kế hoạch mở rộng và nâng cấp căn cứ không quân, hải quân ở Syria.
Nga đang lên kế hoạch mở rộng và nâng cấp căn cứ không quân, hải quân ở Syria.

Trước đó, Tổng thống Putin cũng đã công bố kế hoạch rút một phần các lực lượng Nga khỏi Syria. Tuy nhiên, do muốn duy trì sự hiện diện thường trực cả ở Hmeymim và Tartus nên Moskva sẽ vẫn triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300 và các tổ hợp tên lửa cơ động bờ biển Bastion ở Tartus.

Đây không phải là lần đầu tiên, điện Kremlin lên kế hoạch nâng cấp các căn cứ không quân, hải quân ở quốc gia Trung Đông.

Còn nhớ hồi tháng 10/2016, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Quốc tế Hội đồng Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov đã tuyên bố có kế hoạch bố trí căn cứ hải quân ở Tartus của Syria trên cơ sở thường trực.

“Ở Syria, chúng tôi sẽ có một căn cứ hải quân thường trực tại Tartus. Các tài liệu tương ứng đã được chuẩn bị, hiện đang qua thủ tục phê duyệt phối hợp liên ngành. Mức độ sẵn sàng khá cao, và chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ yêu cầu phía bạn phê chuẩn những tài liệu này”, ông Pankov tuyên bố.

Nga làm chủ Trung Đông?

Căn cứ hải quân Tartus có một ý nghĩa mang tầm chiến lược đối với vị thế của Hải quân Nga nói riêng và nước Nga nói chung ở khu vực Trung Đông. Đây là căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở nước ngoài không nằm trên lãnh thổ các nước Liên Xô cũ.

Tartus được thành lập vào năm 1970 trong thời gian chiến tranh lạnh. Khi đó, căn cứ này được triển khai để hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Liên Xô tại khu vực Địa Trung Hải.

Đây là một trong những căn cứ quan trọng cho các hoạt động của Hải quân Liên Xô trên khắp thế giới cùng với các căn cứ khác ở Ai Cập giai đoạn 1970-1977, Ethiopia giai đoạn 1978-1985 và Việt Nam giai đoạn 1979-2002.

Hiện nay, Tartus trở thành tiền đồn vô cùng quan trọng để bít đường tiến vào Biển Đen từ Địa Trung Hải. Và trên thực tế, chính quyền Damascus cũng đã đồng ý để chuyển đổi Tartus từ căn cứ hậu cần thành căn cứ vĩnh viễn cho Hải quân Nga.

Việc lập các căn cứ quân sự ở Syria khiến Nga khống chế được Trung Đông và Địa Trung Hải
Việc lập các căn cứ quân sự ở Syria khiến Nga khống chế được Trung Đông và Địa Trung Hải

Tuy nhiên thời gian qua, Tartus không thể đón những máy bay oanh tạc cơ cỡ lớn Tu-95MS hay Tu-160. Do vậy để thực hiện các nhiệm vụ không kích IS hay cho các máy bay ném bom cỡ lớn xuất kích ngay từ lãnh thổ Nga, Moskva phải mượn sân bay của Iran để làm bàn đạp.

Ngoài ra, các hoạt động tiếp tế, trang bị cho cảng Tartus và thay quân cho nhóm tàu Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Do vậy với việc biến Tartus thành căn cứ chuyên dụng, điện Kremlin có thể hóa giải tất cả những khó khăn trước đó. Sau khi được nâng cấp, Nga có thể điều động một nhóm lớn tàu thuyền và cả tàu sân bay thường trực ở đây để thực hiện cho các mục đích quân sự của mình.

Hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang căng thẳng cực độ, nhất là nếu Lầu Năm Góc có ý định tấn công quân sự phủ đầu Syria, eo biển yết hầu này có thể bị NATO phong tỏa ngay lập tức.

Khi đó, Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị nhốt chặt, không thể chi viện lực lượng, phương tiện và hậu cần cho biên đội tàu Nga ở Địa Trung Hải và Syria. Do đó, việc có một lực lượng không/hải quân đồn trú ở Địa Trung Hải là điều hết sức quan trọng đối với Moskva vào thời điểm này.

Từng trao đổi với TASS, ông Andrey Krasov, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã khẳng định sự cần thiết Nga phải có căn cứ ở Tartus.

“Nga cần căn cứ Tartus để có mặt tại khu vực này và không giống như NATO, Liên bang Nga có mặt ở đây là để bảo đảm an ninh trên thế giới”, ông Krasov nói.

Sự hiện diện vĩnh viễn của không quân/hải quân Nga không chỉ đơn thuần là sự trợ giúp quý báu đối với đất nước Syria mà nó còn là sự bảo đảm an ninh cho khu vực Biển Đen của Nga, đồng thời có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình ở khu vực Trung Đông và vùng biển Địa Trung Hải.

Ngoài ra, việc nâng cấp cảng Tartus còn là cách để duy trì trạng thái cân bằng Nga-NATO, vốn đã bị suy yếu sau sự sụp đổ của Liên Xô hơn 20 năm trước đây. Khi Moskva đã khống chế và làm chủ được Trung Đông cũng như khu vực Địa Trung Hải, chắc chắn Mỹ và NATO sẽ không thể mạnh miệng như thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, sự hiện diện quân sự vững chắc ở Syria sẽ là điểm tựa cho cả đồng minh Iran cũng đang nằm trong vòng cương tỏa của Washington và đồng minh, đồng thời giúp thắt chặt quan hệ của Nga với các đối tác quan trọng ở Trung Đông-Bắc Phi như là Iraq, Lebanon hay Ai Cập.

Theo Tuấn Hùng

Đất Việt