1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ can thiệp sâu vào Trung Đông

Hai đơn vị thuộc Sư đoàn dù 82 của Mỹ, gồm gần 200 binh sĩ, đang được triển khai đến Trung Đông để tăng cường an ninh cho Iraq hoặc Syria, theo đề nghị của Trung tướng Stephen Townsend, Chỉ huy liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo viên chức trên, một số binh sĩ bổ sung sẽ trú đóng tại căn cứ Qayyarah Airfield West của Không quân Iraq, cách TP Mosul khoảng 60 km về phía Nam.

Ngoài ra, quân đội Mỹ mới đây đã bố trí tại căn cứ này trực thăng tấn công Apache và dàn rocket được dẫn đường bởi hệ thống định vị toàn cầu, gọi tắt là HIMARS, để hỗ trợ cho trận chiến giành lại Mosul đã kéo dài hơn 5 tháng. Thêm vào đó, trong mấy tháng gần đây, một khẩu đội pháo binh Mỹ đặt ở Hamam al-Alil, cách Mosul hơn 20 km về phía Nam.

Vừa qua, giới truyền thông đưa tin sẽ có đến 1.000 binh sĩ Mỹ được cử đến Kuwait hoặc Syria làm lực lượng dự phòng. Tuy nhiên, nhiều quan chức Lầu Năm Góc cho biết thông tin đó không đúng vì liên quân đang hoạt động hiệu quả.

Trả lời kênh Fox News hôm 26-3, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi dự đoán IS sẽ bị đánh bại trong mấy tuần nữa.

Lính Mỹ ở Syria Ảnh: FARS NEWS
Lính Mỹ ở Syria Ảnh: FARS NEWS

Còn tại nước láng giềng Syria, chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu những ngày gần đây cũng được yểm trợ bởi một khẩu đội pháo của lính thủy đánh bộ Mỹ tại địa điểm cách TP Raqqa, thủ phủ của IS, hơn 40 km về phía Tây. Sáng 26-3, Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn thông báo đã chiếm được sân bay chiến lược tại TP Tabqa, ở phía Tây Raqqa.

Tham vọng tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông của Mỹ còn được thể hiện qua yêu cầu mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Theo tờ The Washington Post, ông chủ Lầu Năm Góc đề nghị Nhà Trắng dỡ bỏ những hạn chế được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama về sự hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho các nước vùng Vịnh tham gia cuộc chiến chống phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Hoạt động quân sự của Mỹ ở Yemen hiện chỉ gói gọn trong những chiến dịch chống các phần tử khủng bố liên hệ với Al-Qaeda. Nếu yêu cầu trên được thông qua, quân đội Mỹ sẽ được thoải mái hỗ trợ chiến dịch quân sự do Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đứng đầu thông qua hoạt động giám sát, tình báo, tiếp nhiên liệu và lên kế hoạch tấn công mà không cần xin phép Nhà Trắng trong từng trường hợp.

Tuy vậy, một động thái như thế sẽ khiến Mỹ can dự trực tiếp vào cuộc chiến mà Liên Hiệp Quốc đang tìm cách chấm dứt.

Theo Lục San

Người Lao động