1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ, phương Tây cảnh báo Israel vì luật ngăn Liên hợp quốc hỗ trợ người Gaza

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ cùng các nước phương Tây phản ứng trước việc Israel ban hành lệnh cấm với Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).

Mỹ, phương Tây cảnh báo Israel vì luật ngăn Liên hợp quốc hỗ trợ người Gaza - 1

Cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua khiến Gaza rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo thảm khốc (Ảnh: Reuters).

Quốc hội Israel đã thông qua luật cấm UNRWA hoạt động tại quốc gia này, động thái về cơ bản sẽ làm tê liệt khả năng hoạt động của cơ quan Liên hợp quốc tại Gaza, nơi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong 90 ngày tới.

Israel viện dẫn cáo buộc rằng một số nhân viên UNRWA đã tham gia vào cuộc tấn công của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái vào các khu vực do Tel Aviv kiểm soát. Israel cũng cáo buộc UNRWA có một số nhân sự là thành viên Hamas và các nhóm vũ trang chống Tel Aviv trong khu vực.

Động thái của Israel đã khiến Liên hợp quốc và một số đồng minh phương Tây của Israel lo ngại rằng nó sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã tồi tệ ở Gaza. Tel Aviv tuyên bố sẽ sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo tiếp tục tạo điều kiện viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza theo cách không đe dọa đến an ninh của Israel.

Người đứng đầu UNRWA, Philippe Lazzarini, gọi động thái của Israel là "tiền lệ nguy hiểm", đi ngược lại hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm nghĩa vụ của Israel theo luật pháp quốc tế.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi một lá thư cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để phản đối động thái của Tel Aviv. Trong bức thư, ông Guterres cho biết luật này có thể gây ra "hậu quả tàn khốc" cho người Palestine ở Gaza và Bờ Tây vì không có giải pháp thay thế hợp lý nào cho UNRWA trong việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho những người cần được trợ giúp.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng Israel chưa giải quyết được "cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc" ở Gaza. 

Mỹ ngày 13/10 đã đặt ra hạn chót 30 ngày để Israel cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza, nếu không Tel Aviv sẽ đối mặt với các hạn chế tiềm tàng trong hoạt động viện trợ quân sự của Washington.

"Lời nói của Israel phải đi đôi với hành động trên thực địa. Hiện tại, điều đó không xảy ra. Điều này phải thay đổi ngay lập tức", bà Thomas-Greenfield phát biểu với Hội đồng Bảo an.

"Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng Israel phải cho phép thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác vào Gaza, đặc biệt là phía bắc và khi mùa đông đang đến, cũng như bảo vệ những người phân phối chúng", bà nhấn mạnh.

Trước đó, Na Uy cho biết họ sẽ đề xuất một nghị quyết lên Đại hội đồng Liên hợp quốc để yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra ý kiến về việc liệu Israel có vi phạm luật pháp quốc tế hay không khi ban hành lệnh cấm UNRWA.

Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth Eide cho biết: "Với sáng kiến này, Na Uy muốn khẳng định rằng không có quốc gia nào, kể cả Israel, được miễn trừ khỏi các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình".

Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết London "rất quan ngại" về luật mà Israel thông qua vì chúng gây nguy hiểm cho "toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế" tại Gaza.

Trong khi đó, Đại sứ Đức tại Israel Steffen Seibert cho biết ông "rất lo ngại" khi luật này khiến người dân Gaza đối mặt với mối nguy hiểm lớn hơn.

Theo Reuters, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm