Mỹ phê duyệt chuyển trực thăng cho Ukraine
(Dân trí) - Mỹ dường như đã phê duyệt việc chuyển các trực thăng của quân đội Afghanistan cũ cho Ukraine, giữa lúc căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine đang leo thang.
Truyền thông Mỹ dẫn nguồn thạo tin cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ được cho đã phê duyệt việc chuyển 5 trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất tới cho lực lượng vũ trang Ukraine. Các máy bay này trước đó nằm trong biên chế của quân đội Afghanistan đã bị giải thể sau khi Taliban lên nắm quyền hồi giữa tháng 8 năm ngoái.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ dường như cũng thông qua kế hoạch cho phép Estonia, Latvia, Lithuania được chuyển các vũ khí do Mỹ sản xuất, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, cho Ukraine. Các nguồn tin nói rằng, đây là nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm gia tăng năng lực quân sự cho Ukraine.
Theo The Drive, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đã cân nhắc việc đưa khí tài của quân đội Afghanistan cũ tới Ukraine trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, dù chính quyền Mỹ có thông qua việc chuyển giao khí tài, thì vẫn còn những bước khác cần thực hiện để hoàn thành quá trình này trước khi các trực thăng có thể chính thức được giao cho Ukraine, ví dụ như cần quốc hội Mỹ "bật đèn xanh".
Hồi đầu tuần, chính phủ Anh tuyên bố sẽ bắt đầu chuyển tên lửa chống tăng dẫn đường tới Ukraine. Một đội ngũ cố vấn Anh cũng được điều động để huấn luyện phía Ukraine sử dụng khí tài trên. Trong những tháng qua, Mỹ đã đưa khí tài, bao gồm tên lửa Javelin và vũ khí hạng nhẹ, đạn dược tới Ukraine trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ quân sự trước đó.
Trong thời gian qua, phương Tây và Ukraine nhiều lần cáo buộc Nga chuyển hàng chục nghìn quân ra khu vực biên giới với Ukraine nhằm lên kế hoạch tấn công vào nước láng giềng. Moscow mạnh mẽ bác bỏ những nhận định trên, cho rằng chúng là không có căn cứ. Moscow cũng tuyên bố họ được phép điều động lực lượng trên lãnh thổ của mình nếu cảm thấy phù hợp.
Hồi tháng trước, Nga đã đưa ra các đề xuất an ninh với Mỹ và NATO bao gồm: Không mở rộng liên minh về phía Đông, không triển khai quân đội hoặc vũ khí tới các nước gia nhập khối sau năm 1997, hạn chế triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chia sẻ thông tin nhiều hơn về các cuộc tập trận quân sự. Tuy nhiên, tới nay NATO vẫn bác bỏ các đề xuất này.