1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ "mở đường mới" để chuyển vũ khí cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Estonia, Latvia và Lithuania, động thái sẽ mở đường cho phép các quốc gia này chuyển giao vũ khí có xuất xứ từ Mỹ cho Ukraine.

Mỹ mở đường mới để chuyển vũ khí cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine với tên lửa chống hạm Javelin do Mỹ sản xuất (Ảnh: Reuters).

CNN ngày 20/1 dẫn lời một quan chức Nhà Trắng, một quan chức Bộ Ngoại giao và một phụ tá Quốc hội xác nhận thông tin trên.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Nga có thể "động binh" với Ukraine, dù Moscow liên tục bác bỏ, và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo rằng Điện Kremlin có kế hoạch điều thêm binh sĩ đến khu vực ngay gần biên giới Ukraine.

Theo giới quan sát, việc Quốc hội Mỹ thông qua việc cấp phép vũ khí là tín hiệu cho thấy Washington đang muốn gây áp lực mạnh hơn nữa và cảnh báo Moscow sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Ukraine.

Trong một tuyên bố về động thái này, Bộ Ngoại giao Mỹ viện dẫn "sự phối hợp chặt chẽ với các nước châu Âu và Ukraine". "Các đồng minh châu Âu đã có những gì họ cần để có thể hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong những ngày và tuần tới", một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Theo người phát ngôn trên, Mỹ đã liên hệ chặt chẽ với các đối tác Ukraine và các đồng minh trong khối NATO về vấn đề này, cũng như sử dụng tất cả các công cụ hợp tác an ninh bao gồm xúc tiến việc chuyển giao ủy quyền thiết bị xuất xứ Mỹ từ các đồng minh và đối tác khác thông qua quy trình chuyển giao bên thứ ba.

Hiện chưa rõ khi nào vũ khí Mỹ sẽ được chuyển giao đến Ukraine.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đến thăm Ukraine, nơi các quan chức nước chủ nhà đã cảm ơn về sự hỗ trợ an ninh của Washington.

Vào cuối tháng 12/2021, chính quyền ông Biden cũng đã thông qua khoản hỗ trợ an ninh bổ sung 200 triệu USD cho Ukraine, cho phép vận chuyển các thiết bị phòng thủ bao gồm vũ khí nhỏ và đạn dược đến cho Kiev.

Nhưng sau khi nhiều cuộc họp giữa Mỹ, NATO, các quan chức châu Âu và quan chức Nga kết thúc vào tuần trước mà không có bất kỳ đột phá đáng kể nào, Nhà Trắng bắt đầu cân nhắc hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Kiev, trong bối cảnh lo ngại nguy cơ bùng nổ chiến tranh.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã loại trừ việc điều lực lượng quân đội đến Ukraine nếu Nga hành động quân sự với nước này.