1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vấn đề Triều Tiên:

Mỹ, Nhật, Hàn ráo riết tìm biện pháp đối phó

(Dân trí) - Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực tìm biện pháp đối phó với căng thẳng ngày càng tăng trên bán đảo này, đặc biệt là ở thời điểm Bình Nhưỡng chuẩn bị cho vụ phóng mà ba nước này cho là vụ thử tên lửa tầm xa vào tuần tới.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Robert Wood cho biết  các đặc phái viên Mỹ và Nhật Bản về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã bắt đầu các cuộc thảo luận tại Washington. 

 

Trước đó, trưởng đoàn đám phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-lak cũng đã lên đường sang Mỹ để thảo luận các biện pháp đối phó với kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong chuyến thăm Mỹ, Trưởng đoàn Wi Sung-lak sẽ gặp Đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên Stephen Bosworth và Đặc phái viên phụ trách đàm phán 6 bên Sung Kim. Dự kiến trong ngày 28/3, ông Wi sẽ tiến hành cuộc họp tay ba với người đồng cấp Mỹ-Nhật để bàn thảo các phương án phối hợp đối phó với tên lửa của Triều Tiên.

 

Trong cuộc họp báo trước khi lên máy bay hôm qua, 27/3, Trưởng đoàn Wi cho rằng Hàn Quốc và Mỹ cần trao đổi ý kiến về động thái của miền Bắc cũng như vấn đề đàm phán 6 bên toàn diện trong bối cảnh Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng vệ tinh.

 

Ba trưởng đoàn đàm phán Hàn-Nhật-Mỹ cũng sẽ thảo luận về các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn việc phóng tên lửa của miền Bắc và thảo luận các phương án trừng phạt sẽ đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu vụ phóng tên lửa được thực hiện.

 

Khả năng nào từ phía Liên Hợp Quốc?

 

Với việc Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa lần này, Nhật Bản và Mỹ đang cố gắng thông qua được một nghị quyết trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng điều này xem ra sẽ rất khó khăn. 

 

Liệu Hội đồng Bảo an có thông qua nghị quyết trừng phạt này không vẫn là một câu hỏi lớn bởi tổ chức này sẽ khó có thể chấp nhận những luận cứ mà Nhật Bản hay Mỹ đưa ra, kể cả cho rằng “tên lửa đạn đạo hay tên lửa vệ tinh có cách chế tạo giống nhau, do đó, việc phóng thử (dù là tên lửa đạn đạo hay vệ tinh) đều đe dọa tới ổn định của khu vực”.

 

Hơn nữa, Bình Nhưỡng đã tuân thủ luật pháp quốc tế khi thông báo rõ ràng về kế hoạch phóng thử vệ tinh của nước này cũng như những khu vực nguy hiểm sẽ xảy ra trong quá trình phóng tên lửa với Tổ chức Hàng hải Quốc tế và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng không hề vi phạm các điều ước quốc tế và nếu nước này kiên quyết khẳng định việc phóng vệ tinh là “hoạt động chinh phục vũ trụ vì mục đích hòa bình”. 

 

Trước đây, khi phóng thử tên lửa Taepodong-1 vào tháng 8/1998, Triều Tiên cũng tuyên bố đó là vụ phóng vệ tinh. Dù khi đó Bình Nhưỡng không thông báo trước những khu vực nguy hiểm liên quan tới vụ phóng tên lửa, Nhật Bản cũng chỉ thành công trong việc triệu tập phiên họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đánh giá về vấn đề này.

 

Ngoài ra, mọi hành động cứng rắn đối với Triều Tiên cũng khó có thể được các bên còn lại trong bàn đàm phán 6 bên ủng hộ. Đến giờ phút này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc mới chỉ có thể cho biết về cơ bản, Trung Quốc nhất trí việc Triều Tiên phóng thử tên lửa sẽ không có lợi đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên hay toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.

 

Trong khi đó, hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Alexei Borodavkin của Nga (một thành viên của đàm phán sáu bên) tuyên bố rằng mọi vấn đề nảy sinh từ vụ phóng này "phải được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn với tất cả các bên liên quan". "Chúng tôi đã bày tỏ lập trường này với họ cũng như các đối tác khác của chúng tôi, và sẽ tiếp tục giữ nguyên quan điểm đó", ông nói.

 

Nhật Mai

Theo AP, Kyodo, Yohap