Mỹ: Người biểu tình tấn công loạt cơ quan công quyền
Bầu không khí căng thẳng đang leo thang tại Mỹ khi phong trào biểu tình ủng hộ cho người da màu lan rộng tới các bang, các thành phố.
Phong trào này xuất phát từ các cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu George Floyd ở Minneapolis, Minnesota - người tử vong sau khi bị cảnh sát da trắng Derek Chauvin dùng đầu gối chẹt cổ hôm 25/5. Chauvin ngày 29/5 đã bị bắt với cáo buộc mắc tội giết người cấp độ 3 sau khi ông cùng 3 đồng nghiệp liên quan tới vụ việc bị sa thải.
Tuy nhiên, động thái bắt giữ Chauvin chưa thể xoa dịu được sự giận dữ của người biểu tình. Tại Minneapolis, bạo động đã kéo dài tới ngày thứ 4 với cảnh đập phá, cướp đồ từ các cửa hàng.
Người biểu tình phớt lờ lệnh giới nghiêm của chính quyền Minneapolis ban hành hôm qua, chống lại lực lượng Vệ binh Quốc gia và vẫn tiếp tục đốt phá. Ngày 28/5, người biểu tình đã kiểm soát đồn cảnh sát Minneapolis khu vực số 3 và phá hoại nơi này.
Các nguồn thạo tin nói với AP rằng, Lầu Năm Góc sẵn sàng gửi quân cảnh tới Minneapolis để giúp thiết lập lại trật tự tại thành phố. Các quân nhân từ căn cứ Fort Bragg ở Bắc Carolina và Fort Drum ở New York được cho đã nhận lệnh sẵn sàng triển khai trong 4 giờ nếu được huy động. Quân nhân ở Kansas và Colorado cũng được thông báo sẵn sàng trong 24 giờ nếu có mệnh lệnh tới Minneapolis.
Lần cuối cùng Nhà Trắng kích hoạt các lệnh tương tự là vào năm 1992 trong vụ bạo động ở Los Angeles, California, theo Dailymail.
Phương tiện bị thiêu rụi trong cuộc bạo động hôm 29/5 ở Minneapolis.
Tại Detroit, Michigan, một vụ nổ súng vào người biểu tình đã xảy ra, dẫn tới ít nhất một người chết. Chính quyền địa phương khẳng định không có quan chức nào liên quan tới vụ việc này. Kẻ nổ súng đã trốn thoát sau khi nã đạn vào đám đông.
Người biểu tình ở Detroit bao vây xe cảnh sát. Thành phố này đang đối diện với cảnh hỗn loạn và bạo lực sau khi các cuộc biểu tình có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát.
Cảnh sát Detroit mặc đồ bảo hộ quan sát tình hình.
Tại New York, gần 200 người đã bị bắt ở Brooklyn sau khi nhóm biểu tình châm lửa đốt xe của cảnh sát và cố gắng đột nhập vào đồn cảnh sát khu vực 79 ở Bedford-Stuyvesant hôm 29/5. Theo RT, đồn cảnh sát khu vực 88 và trụ sở cảnh sát Bắc Brooklyn đã bị tấn công sau khi biểu tình ở khu vực lân cận leo thang thành bạo lực.
Tại Denver, Colorado, một nhóm người biểu tình đã tấn công vào tòa nhà Tòa Tối cao, theo truyền thông địa phương. Các hình ảnh chụp tại hiện trường cho thấy dòng người ném vỡ 6 cửa kính của tòa án. Người biểu tình cũng xuất hiện ở tòa nhà nghị viện bang để biểu tình.
Thống đốc Georgia Brian Kemp ngày 30/5 đã kích hoạt đơn vị Vệ binh Quốc gia và tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi các cuộc biểu tình đang bị biến tướng thành bạo động và trộm cắp. Cảnh tượng đổ nát xuất hiện ở Atlanta khi những người phá hoại châm lửa đốt nhiều phương tiện, bao gồm cả xe cảnh sát.
Trụ sở hãng tin CNN ở Atlanta, Georgia cũng trở thành mục tiêu tấn công và phá hoại của người biểu tình hôm 29/5.
Xe cảnh sát bị thiêu cháy ở Atlanta.
Đặc nhiệm Mỹ lập hàng rào trước Nhà Trắng khi người biểu tình ở Washington DC có dấu hiệu mất kiểm soát. Khu vực Nhà Trắng hôm qua cũng đã phải tạm phong tỏa trong một khoảng thời gian để kiểm soát tình hình.
Người biểu tình xô xát với đặc nhiệm bên ngoài khu vực Nhà Trắng.
Cảnh sát tìm cách khống chế người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng.
Tại Louisville, Kentucky, biểu tình đã kéo dài tới đêm thứ 2 và lực lượng cảnh sát chống bạo động đã được điều đến phòng kịch bản căng thẳng leo thang mất kiểm soát.
Cảnh sát bắt người biểu tình ở Los Angeles, California.
Người biểu tình có vũ trang ở Charlotte, Bắc Carolina.
Hơi cay xịt vào người biểu tình trước một trụ sở cảnh sát ở Charlotte.
Tại Portland, Oregon, người biểu tình gây ra hỏa hoạn trong tòa nhà có văn phòng cảnh sát trưởng của hạt. Cảnh sát đã tới hiện trường và nỗ lực giải tán đám đông.
Người biểu tình dựng hàng rào ở gần tòa thị chính tại Oakland, California.
Đức Hoàng
Ảnh: Reuters, AFP, Getty, EPA