Mỹ muốn đạt thỏa thuận kinh tế mạnh mẽ với châu Á, thu hút Việt Nam
(Dân trí) - Chính quyền Mỹ đặt mục tiêu ký kết thỏa thuận khung kinh tế "rất mạnh mẽ" với châu Á vào năm tới, đồng thời mong muốn thu hút những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Trong cuộc thảo luận bàn tròn tại trụ sở của hãng tin Bloomberg ở New York ngày 9/12, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận khung kinh tế "rất mạnh mẽ" với các quốc gia châu Á vào năm tới, tập trung vào các lĩnh vực điều phối chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu và các tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo.
"Đây là một ưu tiên của tổng thống", bà Raimondo nói về việc tăng cường sự kết nối của Mỹ với châu Á.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nước này đã "không hiện diện ở khu vực châu Á trong 4 năm", ngụ ý tới nhiệm kỳ của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Raimondo nói rằng, chuyến đi của bà đến châu Á hồi tháng trước nhằm "đánh giá mong muốn" của các nước trong khu vực về vấn đề đối thoại kinh tế. Bà cũng nhấn mạnh rằng, việc Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như đã "đánh tiếng" trước đó giờ không cần bàn tới.
"Nhu cầu cho sự hiện diện cũng như sự kết nối trở lại của Mỹ hiện rất lớn", bà Raimondo nói. Tháng trước, bà đã tới thăm Singapore, Malaysia và Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Raimondo, điều mà chính quyền Mỹ mong muốn là một "khuôn khổ mới cho một nền kinh tế mới" và hy vọng sẽ "chính thức khởi động một quy trình vào đầu năm 2022, ngay trong quý đầu tiên".
Bộ trưởng Raimondo nói rằng khuôn khổ kinh tế mới sẽ "linh hoạt" và một số quốc gia có thể không cần tham gia vào tất cả các hạng mục.
Người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ cho biết mục đích của Washington không chỉ là thu hút sự tham gia của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore, Australia và New Zealand, mà còn cả các nền kinh tế mới nổi như Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.
"Tôi rất vui mừng nếu trong 12 tháng kể từ bây giờ, Mỹ có thể ký kết được thỏa thuận nào đó. Như vậy, chúng tôi sẽ đạt được tiến bộ", bà Raimondo nói thêm.
Bộ trưởng Raimondo cho biết việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho các mặt hàng quan trọng, bao gồm chất bán dẫn, là một trọng tâm đặc biệt. Quan chức Mỹ nhấn mạnh mục tiêu "hợp tác lâu dài và mạnh mẽ về chuỗi cung ứng" nhằm giải quyết tình trạng thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Một yếu tố khác trong khuôn khổ hợp tác kinh tế của Mỹ với châu Á là điều chỉnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm nhạy cảm sang Trung Quốc, theo bà Raimondo.
Bà Raimondo cho biết, yếu tố thứ 3 trong khuôn khổ hợp tác kinh tế mới là xây dựng các tiêu chuẩn và quy tắc kỹ thuật cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.
Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden có đáp ứng được mức độ hợp tác kinh tế mà một số nền kinh tế châu Á đang mong muốn hay không.
Nhật Bản và các nước khác đã hối thúc Washington xem xét lại quyết định rút khỏi CPTPP từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, trong khi thỏa thuận này vốn được xem là trụ cột kinh tế quan trọng trong chiến lược thúc đẩy sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat tuần trước cho biết mặc dù "trong những thập niên qua, sự hiện diện an ninh của Mỹ đã mang lại sự ổn định và hòa bình trong khu vực", nhưng để ảnh hưởng đó kéo dài "trong những thập niên tới, Mỹ không thể vắng mặt khỏi các kiến trúc kinh tế của khu vực".