1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lập "lực lượng tấn công" nhắm vào hành vi thương mại của Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ sẽ lập một lực lượng chuyên trách nhằm đối phó các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc và nhằm củng cố nguồn cung của Mỹ.

Mỹ lập lực lượng tấn công nhắm vào hành vi thương mại của Trung Quốc - 1
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ đứng đầu "lực lượng tác chiến" thương mại của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, lực lượng này sẽ do Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai dẫn đầu và có nhiệm vụ xác định những hành vi thương mại không công bằng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung của Mỹ, cũng như đưa ra các đề xuất hành động thương mại.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng Brian Deese cho biết, lực lượng này có nhiệm vụ theo dõi những hành vi sai phạm cụ thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của Mỹ và có thể bị đáp trả bởi các biện pháp phòng vệ thương mại.

Một quan chức Mỹ nói: "Rõ ràng nhiều chính sách của Trung Quốc đã làm tổn thương đến các chuỗi cung của Mỹ. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ thấy lực lượng tác chiến này sẽ tập trung vào việc đưa ra một số chính sách nhằm vào các hành vi thương mại của Trung Quốc".

Hồi tháng 2, Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo rà soát các chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng mà Mỹ đang phụ thuộc vào nước ngoài, yêu cầu các cơ quan chính phủ báo cáo lại trong vòng 100 ngày về những nguy cơ với khả năng tiếp cận của Mỹ đối với các hàng hóa thiết yếu như thiết bị bán dẫn, dược phẩm, ắc quy ô tô, đất hiếm.

Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng chỉ thị của ông Biden được cho là một phần trong chiến lược của chính phủ Mỹ nhằm củng cố năng lực cạnh tranh của Mỹ trước những thách thức kinh tế, thương mại từ Trung Quốc.

Trung Quốc được coi là một trong những trọng tâm chính sách của chính quyền Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức hồi đầu năm nay. Ông Biden từng gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất" và tuyên bố sẽ đối đầu Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ.

Chúng ta sẽ đối đầu với hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại các hành động hung hăng, ép buộc của họ và đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào quyền con người, tài sản trí tuệ và quản trị toàn cầu", ông Biden tuyên bố hồi đầu tháng 2. Ông Biden cho biết Mỹ sẽ cạnh tranh bằng cách xây dựng năng lực trong nước và cả hợp tác với các đối tác và đồng minh, khôi phục vai trò của Washington tại các tổ chức quốc tế.

Mới đây, chính phủ của ông Biden cũng mở rộng danh sách trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc, đưa 59 doanh nghiệp Trung Quốc vào diện cấm rót vốn đầu tư. Thượng viện Mỹ hôm qua cũng thông qua dự luật ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng với việc đầu tư hơn 200 tỷ USD vào công nghệ, nghiên cứu khoa học của Mỹ.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến châu Âu trong tuần này, Tổng thống Biden được cho là sẽ tập trung vào một số vấn đề, trong đó có vấn đề đối phó những thách thức từ Trung Quốc.