1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ mời lãnh đạo "Bộ Tứ" tới Nhà Trắng họp thượng đỉnh ngay tuần tới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden mời các lãnh đạo thuộc nhóm "Bộ Tứ" gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản tới Nhà Trắng tuần tới để đẩy mạnh hợp tác, trong một nỗ lực được xem là tìm cách đối phó với Trung Quốc.

Mỹ mời lãnh đạo Bộ Tứ tới Nhà Trắng họp thượng đỉnh ngay tuần tới - 1

(Từ trái sang phải) Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (Ảnh: Wikipedia/White House/Paralympics/BI India).

SCMP đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh "Bộ Tứ", dự kiến diễn ra ở Nhà Trắng vào ngày 24/9. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của 4 lãnh đạo gồm, Tổng thống Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 13/9 cho biết: "Chính quyền Biden - Harris đã coi việc nâng cấp nhóm Bộ Tứ thành một ưu tiên. Các nhà lãnh đạo trong nhóm sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh mối quan hệ giữa các bên, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực như cuộc chiến chống Covid-19, giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển công nghệ mới và không gian mạng, cũng như thúc đẩy một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở".

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, với hàng loạt mâu thuẫn xoay quanh nhiều vấn đề từ Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương cho tới thương chiến, vấn đề sở hữu trí tuệ…

Tuần trước, các quan chức của lực lượng tuần duyên và hải quân Mỹ đã cam kết tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và bác bỏ quy định mới của Trung Quốc đơn phương yêu cầu tất cả các tàu nước ngoài đi vào khu vực mà nước này tuyên bố "chủ quyền" phải đăng ký và khai báo thông tin với các cơ quan hàng hải của Bắc Kinh.

Thông tin về thượng đỉnh "Bộ Tứ" diễn ra sau khi Tổng thống Biden tuần trước có cuộc điện đàm lần đầu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau 7 tháng. Ông Tập nói rằng quan hệ giữa 2 nước đang đối mặt với "khó khăn nghiêm trọng" vì chính sách của Mỹ với Trung Quốc.

Hồi tháng 7, cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kết thúc với việc 2 bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn.

Trong khi đó, chính quyền Biden đang bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, nhấn mạnh sự cần thiết của chiến lược đối phó với Bắc Kinh trong tương lai. Mỹ đã gia tăng hợp tác với Bộ Tứ, NATO, G7 trong thời gian qua.

Trong bài phát biểu hồi tháng 7, ông Biden nhấn mạnh: "Chúng ta cần tập trung vào việc phát huy thế mạnh cốt lõi của Mỹ để đáp ứng cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và các quốc gia khác, điều thực sự sẽ quyết định tương lai của chúng ta".

Trong cuộc họp trực tuyến hồi tháng 3, cả 4 nhà lãnh đạo "Bộ Tứ' đã đồng ý sẽ tìm cách để đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Hồi năm ngoái, Trung Quốc từng nghi ngờ rằng Mỹ muốn xây dựng "NATO Ấn Độ - Thái Bình Dương" với nòng cốt là nhóm "Bộ Tứ", cũng như cáo buộc Washington muốn tạo ra "tâm lý Chiến tranh Lạnh" và "khuấy động sự đối đầu giữa các nhóm và khối khác nhau" cũng như "kích thích cạnh tranh địa chính trị".