1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp tập trận cùng Bộ Tứ, siết "gọng kìm" đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Cuộc tập trận hải quân của Pháp và các nước thành viên "Bộ Tứ" được xem là thông điệp cứng rắn gửi tới Trung Quốc sau những động thái quyết liệt của Bắc Kinh.

Pháp tập trận cùng Bộ Tứ, siết gọng kìm đối phó Trung Quốc - 1

Hải quân Ấn Độ - Nhật Bản tập trận chung (Ảnh: SCMP).

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Pháp ngày 5/4 sẽ cùng nhau tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong một cuộc tập trận hải quân kéo dài 3 ngày ở Vịnh Bengal với tên gọi La Perouse. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của "Bộ Tứ", gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, với Pháp sau khi các nhà lãnh đạo của 4 nước "Bộ Tứ" nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng trước.

Cả 4 nước "Bộ Tứ" đều từng tham gia cuộc tập trận Malabar do Ấn Độ dẫn đầu vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên việc bổ sung Pháp, nước sẽ dẫn đầu cuộc tập trận hải quân trong tuần này, khiến sự kiện này trở thành cuộc tập trận "Bộ Tứ +" mà 4 nước có thể sử dụng làm bàn đạp cho việc hợp tác sâu hơn với các nước trong tương lai. Cuộc tập trận La Perouse trước đó vào năm 2019 do Pháp dẫn đầu có sự tham gia của Australia, Nhật Bản và Mỹ, nhưng không có Ấn Độ.

Cuộc tập trận diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, những nỗ lực của các nước "Bộ Tứ" đóng vai trò quan trọng "trong việc chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong khu vực". Nhiều quan điểm cho rằng hoạt động của "Bộ Tứ" nhằm kiềm chế một Trung Quốc ngày càng quyết liệt.

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Bắc Kinh coi "Bộ Tứ" là một "nguy cơ an ninh" và là "phiên bản NATO" tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả "Bộ Tứ" như một "bè phái độc quyền" được thành lập dựa trên ý thức hệ chống lại Trung Quốc.

Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng S. Rajaratnam (RSIS) có trụ sở tại Singapore, cho biết cuộc tập trận giữa các nước "Bộ Tứ" và Pháp "chắc chắn có ý nghĩa quan trọng" nếu các nước quyết định biến cuộc tập trận này thành một sự kiện thường kỳ.

"Nếu cuộc tập trận này diễn ra tốt đẹp, nó có thể trở thành một dấu hiệu đáng khích lệ cho các nước khác trong khu vực, vốn không thuộc "Bộ Tứ", xem xét các hoạt động hợp tác tương tự với "Bộ Tứ"", chuyên gia Koh nhận định.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 31/3, Đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ gọi cuộc tập trận là "cuộc tập trận quy mô lớn của 5 nước", đồng thời cho biết cuộc tập trận sẽ "tạo cơ hội cho 5 lực lượng hải quân hiện đại, có cùng chí hướng, phát triển mối liên kết chặt chẽ hơn, trau dồi kỹ năng và thúc đẩy hợp tác hàng hải xuyên suốt khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ".

Theo Yogesh Joshi, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cuộc tập trận sẽ gửi một tín hiệu tới Bắc Kinh rằng "nếu tất cả các nước lớn khác đều đang chỉ trích hành vi của Trung Quốc hoặc liên kết với nhau để ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc, thì chắc hẳn Trung Quốc phải có hành vi nào đó sai trái ngay từ đầu".

Sự hiện diện của "Bộ Tứ"

Pháp tập trận cùng Bộ Tứ, siết gọng kìm đối phó Trung Quốc - 2

Lãnh đạo 4 nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ họp trực tuyến vào tháng 3 nhằm bàn bạc về chiến lược của nhóm "Bộ Tứ" (Ảnh: AFP). 

Theo SCMP, cuộc tập trận kéo dài 3 ngày sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện của "Bộ Tứ" trong khu vực, sau khi từng nước trong nhóm trong tuần qua đều có ít nhất một cuộc tập trận quân sự song phương với ít nhất một đối tác khác ngoài "Bộ Tứ".

Từ ngày 28-29/3, không quân và hải quân Ấn Độ đã tham gia một cuộc tập trận với các tàu chiến của hải quân Mỹ ở Vịnh Bengal, trong khi Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tiến hành 2 cuộc tập trận song phương, gồm một cuộc tập trận với tàu chiến của hải quân Australia ở Biển Đông từ ngày 29-31/3 và cuộc tập trận kéo dài một ngày với tàu chiến của hải quân Mỹ ở biển Hoa Đông vào ngày 29/3.

Chỉ huy hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu R.S. Vasan, hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai, cho biết việc Ấn Độ tham gia cuộc tập trận La Perouse lần đầu tiên cho thấy sự sẵn sàng của nước này trong việc tham gia vào các hoạt động đa phương mà có thể khiến Bắc Kinh nghi ngờ. Ông Vasan cho biết kể từ khi xảy ra đụng độ chết người ở biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm ngoái, cách tiếp cận của New Delhi đã thay đổi.

"New Delhi cảm thấy thất vọng trước Bắc Kinh và không còn lo lắng về việc hành động của mình sẽ bị nước láng giềng nhìn nhận như thế nào. Theo một cách nào đó, Trung Quốc đã giúp Ấn Độ dễ dàng tham gia vào các liên minh này", ông Vasan nhận định.

Thời điểm diễn ra cuộc tập trận của Pháp và "Bộ Tứ" cũng đáng chú ý. Cuộc tập trận diễn ra sau động thái tiếp cận quan trọng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với khu vực, khi Ngoại trưởng Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Bộ trưởng Austin sau đó đến New Delhi, nơi ông gọi Ấn Độ là "đối tác ngày càng quan trọng" và cho biết hai nước đã đồng ý theo đuổi "hợp tác tăng cường" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tìm kiếm đối tác mới

Chuyên gia Koh của RSIS nhận định các cuộc tập trận La Perouse cũng có thể được thiết kế để thuyết phục các quốc gia ngoài "Bộ Tứ" cùng tham gia. Ông Koh cho rằng những quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông đều có thể nằm trong danh sách các đối tác tiềm năng của "Bộ Tứ". Tuy nhiên, theo chuyên gia Koh, các nước này vẫn có thể cảnh giác với việc hợp tác cùng "Bộ Tứ" - một lực lượng vốn được coi là "nhằm đối phó Trung Quốc".

"Điều đó không có nghĩa là không thể hợp tác ở cấp độ song phương. Ví dụ, ngay cả khi chúng ta có thể không chứng kiến một cuộc tập trận hải quân "Bộ Tứ +" với các nước ASEAN, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy từng quốc gia thành viên "Bộ Tứ" sẽ tham gia vào các cam kết song phương hoặc thậm chí đa phương quy mô nhỏ với các đối tác ASEAN", chuyên gia Koh cho biết thêm.

Nhà nghiên cứu Joshi cũng cho rằng các nước ASEAN khó có thể thiết lập quan hệ an ninh với "Bộ Tứ". Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á có thể điều chỉnh các chính sách an ninh của mình với các quốc gia thuộc "Bộ Tứ".

Cuộc tập trận La Perouse cũng hé lộ cách các cường quốc châu Âu đang xây dựng chiến lược để duy trì hoạt động tích cực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi họ có lợi ích kinh tế. Đức và Anh tuyên bố sẽ gửi tàu chiến đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay, trong khi Pháp, Đức và Hà Lan đang dẫn đầu việc soạn thảo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Liên minh Châu Âu.