1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ mở rộng chiến dịch chống IS, 10 nước Ả-rập ủng hộ

(Dân trí) - Các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ sớm xuất kích từ một căn cứ ở miền bắc Iraq trong khuôn khổ một chiến dịch không kích mạnh mẽ hơn nhằm chống lại các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong khi đó, 10 nước Ả-rập tuyên bố ủng hộ Mỹ chống IS

Các máy bay chiến đấu Mỹ sẽ sớm xuất kích từ phía bắc Iraq.
Các máy bay chiến đấu Mỹ sẽ sớm xuất kích từ phía bắc Iraq.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Thiếu tướng John Kirby, ngày 11/9 xác nhận rằng các máy bay "có người lái và được trang bị vũ khí" của Mỹ có thể cất cánh căn cứ không quân Arbil tại thủ phủ vùng tự trị người Kurd ở phía bắc Iraq.

Việc sử dụng căn cứ không quân Arbil phản ánh sự mở rộng trong chiến dịch không kích của Mỹ nhằm chống lại IS, mặc dù các trực thăng tấn công đã cất cánh từ các căn cứ tại Iraq.

Trước đó, các máy bay chiến đấu của Mỹ đang thực hiện các cuộc không kích IS tại Iraq đã xuất kích từ các căn cứ và từ các tàu sân bay bên ngoài Iraq.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay căn cứ không quân Arbil sẽ cho phép các máy bay chiến đấu tiếp cận chiến tuyến dễ dàng hơn.

Các máy bay chiến đấu có tầm bay ngắn hơn các máy bay ném bom và do thám và việc sử dụng một căn cứ gần đó cho phép có nhiều thời gian hơn cho một mục tiêu trong khi giảm nhu cầu tiếp nhiên liệu thường xuyên, giới chức cho biết.

Lầu Năm Góc không tiết lộ loại máy bay có người lái nào và bao nhiêu chiếc sẽ được triển khai tới Arbil.

Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu quan trọng về chiến lược đối phó với IS, trong đó ông cam kết sẽ tiến hành một cuộc chiến "không nao núng" chống lại IS tại Iraq và Syria, theo một kế hoạch dựa vào không lực Mỹ, đồng thời vũ trang và huấn luyện cho các lực lượng địa phương chiến đấu với các phiến quân.

Kể từ đầu tháng 8, Mỹ đã tiến hành hơn 150 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq.

Mỹ cũng đã điều hành trăm cố vấn quân sự để trợ giúp chính phủ Iraq và người Kurd, nhưng loại trừ khả năng điều các binh sĩ chiến đấu.

10 nước Ả-rập ủng hộ Mỹ chống IS

Trong một diễn biến có liên quan, 10 quốc gia Ả-rập ngày 11/9 đã nhất trí trợ giúp Mỹ trong việc giải quyết mối đe dọa gây ra do các phiến quân IS.

Sau các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Jeddah, Ả-rập Xê-út, các ngoại trưởng Bahrain, Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Li-băng, Oman, Qatar, Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã bày tỏ sự ủng hộ của họ.
 
Ông Kerry hiện đang có chuyến công du Trung Đông để kêu gọi sự ủng hộ trong cuộc chiến chống IS.
Ông Kerry hiện đang có chuyến công du Trung Đông để kêu gọi sự ủng hộ trong cuộc chiến chống IS.

Ngoại trưởng các nước đã ra một tuyên bố chung, cam kết cung cấp sự hỗ trợ quân sự và viện trợ nhân đạo, và chặn các nguồn tài chính và sự tham gia của các tay súng nước ngoài vào IS.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, cũng tham gia cuộc gặp tại Jeddah nhưng không ký tuyên bố chung. Ngoại trưởng Kerry đã giảm nhẹ động thái này, nói rằng đồng minh quan trọng của Mỹ đang phải giải quyết một số vấn đề nhạy cảm nhưng vẫn tham gia chiến dịch chống IS.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là miễn cưỡng đảm nhận vai trò đi đầu trong liên minh, một phần lo ngại cho 49 công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang bị IS bắt giữ làm con tin.

Nga cảnh báo

Trong bài phát biểu hôm 10/9, ông Obama đã vạch ra các kế hoạch nhằm làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt IS và tiết lộ rằng ông đã cho phép các cuộc không kích tại Syria.

Tuy nhiên, Nga đã cảnh báo Mỹ về việc mở rộng chiến dịch không kích từ Iraq sang láng giềng Syria.

Bộ ngoại giao Nga cho hay bất kỳ một hành động như vậy, mà không có sự ủng hộ của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, sẽ là "một hành động gây hấn" và "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế".

500 triệu USD để hỗ trợ các nhóm ôn hòa tại Syria

Ngoại trưởng Kerry hôm qua cũng bác bỏ các cáo buộc rằng Tổng thống Obama chịu trách nhiệm về sự lớn mạnh của IS vì ông đã không hành động chống lại nhóm phiến quân này trước đó trong cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ông Obama đã đề nghị quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách 500 triệu USD để hỗ trợ cho việc tăng cường huấn luyện và vũ trang cho các nhóm nổi dậy ôn hòa tại Syria để họ có thể chiến đấu với IS.

Lãnh đạo hạ viện Mỹ John Boehner đã bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái này, nói rằng: "Ở thời điểm hiện tại, việc cung cấp cho tổng thống điều mà ông ấy đề nghị là rất quan trọng".

An Bình
Tổng hợp