Mỹ lo Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”
(Dân trí) - Đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến sẽ có nhiều tàu sân bay, khi đó Bắc Kinh có thể biến Biển Đông thành “ao nhà”, một nghiên cứu mới công bố của Mỹ cảnh báo.
Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ (CSIS) - cơ quan chuyên nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng Mỹ - ngày 19/1 đã công bố một báo cáo với nội dung cho rằng cán cân lực lượng ở châu Á -Thái Bình Dương đang dịch chuyển bất lợi cho Mỹ.
“Hành động của Trung Quốc và Triều Tiên luôn thách thức mức độ tín nhiệm đối với các cam kết an ninh của Mỹ, và với mức độ phát triển năng lực quân sự như hiện tại, cán cân sức mạnh quân sự đang dịch chuyển bất lợi cho Mỹ”, báo cáo viết.
Báo cáo cho rằng, đến năm 2030, Trung Quốc có thể sở hữu nhiều tàu sân bay đủ lấn át các nước khác mà không cần phải hành động công khai.
Tháng 12/2015, Trung Quốc chính thức xác nhận đang đóng tàu sân bay thứ 2 và dự kiến sẽ đóng thêm nhiều chiếc khác trong các năm tới. “Đối với các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Như vậy gần như sẽ có một hạm đội tàu sân bay Trung Quốc hiện diện tại vùng biển tranh chấp hoặc trong phạm vi nửa ngày đường… Khi đó Biển Đông bị biến thành ao nhà của Trung Quốc”, báo cáo nhấn mạnh.
Khi đó, hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ là một nhiệm vụ đầy rủi ro, báo cáo nhận định.
Theo CSIS, 3 mục tiêu chính của Mỹ trong khu vực đó là bảo vệ công dân Mỹ và đồng minh, thúc đẩy kinh tế, thương mại, thúc đẩy cải cách dân chủ. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể không đủ để đảm bảo các lợi ích của Mỹ ở khu vực nhất là khi Mỹ vẫn đang phải tốn quá nhiều tâm trí cho các cuộc khủng hoảng khác như xung đột ở Trung Đông, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), căng thẳng với Nga,…
Quan chức Lầu Năm Góc và những người ủng hộ ở Quốc hội Mỹ nói rằng, nỗ lực để đối phó với sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc cũng như các mối đe dọa an ninh toàn cầu khác đang bị cản trở bởi các hoạt động cắt giảm ngân sách (của Mỹ) liên tiếp từ năm 2011 để khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách. Quốc hội Mỹ tuy đã thông qua gia hạn chi tiêu đến cuối năm 2016 để giải quyết những lo ngại này nhưng lại chưa thể đưa ra một giải pháp có tính lâu dài.
Để khắc phục những khiếm khuyết này, CSIS đưa ra 4 để xuất.
Thứ nhất, Nhà Trắng nên phát triển một chiến lược tái cân bằng riêng rẽ.
Thứ hai, Washington nên đẩy mạnh nỗ lực tăng cường sức mạnh cho đồng minh và đối tác, trong đó có lĩnh vực an ninh hàng hải. “Nhiều quốc gia đang ra sức hạn chế tối đa các rủi ro an ninh khu vực từ khủng hoảng nhân đạo đến tranh chấp biển hay mối đe dọa tên lửa”, báo cáo nhấn mạnh.
Thứ ba, Mỹ nên duy trì và mở rộng hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ tư, Mỹ cần đẩy mạnh phát triển năng lực của quân đội, như khả năng đối phó các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đối với các tàu chiến cũng như căn cứ tiền tiêu của Mỹ.
Minh Phương
Theo Washington Post