1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ lo Nga phá châu Âu hóa giải trừng phạt

Nga tận dụng mâu thuẫn trong EU, áp dụng chiến thuật đánh tỉa nhằm hóa giải các đòn trừng phạt.

Cơ hội cho Nga

Mạng tin Stratfor của Mỹ dự đoán Nga sẽ tiếp tục tìm cách làm suy yếu sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề trừng phạt Nga bằng cách tăng cường sự quan tâm và hoạt động ngoại giao đối với những quốc gia khá thân thiện với Moskva như Hungary, Hy Lạp và Slovakia.

Trong những tháng tới, Nga có thể sẽ có nhiều đòn bẩy đối với các lệnh trừng phạt hơn.

Nga đang tìm cách chia rẽ EU?
Nga đang tìm cách chia rẽ EU?

Kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rút khỏi EU, những chia rẽ trong nội bộ khối này đã trở nên sâu sắc và lan rộng. Các quốc gia miền Bắc và miền Nam châu Âu bất đồng nhiều hơn bao giờ hết xung quanh các vấn đề tài chính cũng như các biện pháp khắc khổ, trong khi các quốc gia ở Trung và Đông Âu kêu gọi khôi phục quyền lực cho quốc hội của các quốc gia.

Các quốc gia thành viên EU cũng bị chia rẽ xung quanh tương lai của các lệnh trừng phạt mà khối này nhằm vào Nga. Những lệnh trừng phạt này sẽ tự động hết hạn nếu như EU không bỏ phiếu nhất trí gia hạn hoặc tăng cường chúng.

Theo Stratfor, không như chính phủ Mỹ vốn có quan điểm diều hâu đối với việc sử dụng lệnh trừng phạt để gây ảnh hưởng lên Kremlin, các thành viên EU có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh cách thức xử lý quan hệ với Nga.

Moskva hy vọng có thể tận dụng được sự bất hòa ngày càng tăng giữa các quốc gia thành viên EU, song những nỗ lực này của họ sẽ vấp phải nhiều thách thức.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel

Nguy cơ EU đánh mất sự thống nhất trong vấn đề trừng phạt Nga đến từ những rạn nứt giữa các thành viên với một bên là các chính phủ thân thiện với Nga và bên kia là các chính phủ thù địch với Nga. Những quốc gia nằm trong nhóm thứ hai - đặc biệt là Ba Lan và các quốc gia Baltic - có lịch sử quan hệ căng thẳng với Nga và đặc biệt lo ngại trước sức mạnh quân sự của Nga.

Trong khi đó, những quốc gia thành viên có nhiều ảnh hưởng nhất lên các trừng phạt của Nga lại không nghiêng về phe nào.

Nước Đức, vốn có tiếng nói quan trọng trong EU, có lịch sử lâu dài và phức tạp với Nga. Mặc dù hai quốc gia có quan hệ thương mại và kinh tế mật thiết, song lại cạnh tranh ảnh hưởng, đặc biệt là tại Trung và Đông Âu.

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chính phủ Đức đã thể hiện rằng họ sẵn sàng can dự về ngoại giao với Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đồng thời khăng khăng rằng các lệnh trừng phạt phải được duy trì cho tới khi Nga thực hiện các điều khoản về an ninh trong Thỏa thuận Minsk.

Chiến thuật đánh tỉa

EU đang có nhiều mối quan ngại cấp bách hơn so với việc gây áp lực buộc Nga phải thực thi thỏa thuận này. Các quốc gia EU khác, trong đó có Hungary và Italy, đang kêu gọi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý trong nội bộ quốc gia về nhiều vấn đề liên quan đến EU, như là hạn ngạch người nhập cư hay giới hạn chi tiêu.

Do các chi tiết cũng như thời điểm nước Anh rút khỏi EU chưa được quyết định, các quốc gia thành viên EU có thể tiếp tục chú trọng đến việc kiểm soát những diễn biến hậu Brexit của khối.

Đây là một diễn biến thuận lợi đối với Nga. Brexit mở ra một cơ hội để Moskva tìm cách khai thác những chia rẽ trong EU xung quanh nhiều vấn đề, đặc biệt là trừng phạt Nga.

Slovakia, quốc gia đang giữ ghế chủ tịch luân phiên EU, đang là mục tiêu chính trong chiến dịch của Nga nhằm phá hỏng sự thống nhất trong EU trước cuộc bỏ phiếu về các lệnh trừng phạt, dự kiến vào đầu năm 2017.

Nga nhìn rõ những điểm yếu của châu Âu?
Nga nhìn rõ những điểm yếu của châu Âu?

Những nỗ lực của Moskva đã đem lại những kết quả hứa hẹn. Sau cuộc gặp ngày 25/8 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã kêu gọi EU tiến hành đánh giá lại có chừng mực cơ chế trừng phạt, có xét đến những tác động mà các lệnh trừng phạt gây ra đối với EU.

Trong những tháng tới có thể sẽ diễn ra những cuộc gặp tương tự giữa các nhà lãnh đạo Nga với các quốc gia có cảm tình với Moskva như Hungary và Hy Lạp.

Ngoài hoạt động ngoại giao, các cơ quan tình báo Nga có thể sẽ phát huy các mạng lưới dày đặc mà họ bố trí trên khắp châu Âu, tận dụng những mối quan hệ với bộ máy lãnh đạo các quốc gia EU nhằm thổi bùng những bất đồng trong khối.

Theo Stratfor, mặc dù cho tới nay những nước EU muốn duy trì lệnh trừng phạt Nga vẫn chiếm ưu thế, song không có gì đảm bảo sự thành công của họ sẽ kéo dài. Các cuộc bỏ phiếu về vấn đề này ngày càng gây tranh cãi, và những tác động kinh tế mà các lệnh trừng phạt cũng như sự trả đũa của Moskva đang bắt đầu đè nặng lên EU.

Các chuyên gia Mỹ dự đoán, nhiều khả năng EU ít nhất cũng sẽ nới lỏng trừng phạt đối với Nga vào năm tới.

Theo Thành Minh

Đất Việt