1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lo lắng khi đồng minh đồng loạt mua "Rồng lửa" S-400 Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ lo ngại khi ngày càng nhiều đồng minh và đối tác của Washington sở hữu hệ thống phòng không S-400 của Nga.

"Rồng lửa" S-400 Nga diễn tập "bẻ gãy" đòn tập kích tên lửa quy mô lớn
Mỹ lo lắng khi đồng minh đồng loạt mua Rồng lửa S-400 Nga - 1

Hệ thống phòng không S-400 Nga phóng tên lửa trong cuộc tập trận (Ảnh: Sputnik).

Theo National Interest, các máy bay chiến đấu F-22, F-35 và máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ dựa vào tốc độ cũng như tính năng để có thể ra vào nhanh chóng các vùng radar phòng không. Tuy nhiên, hệ thống phòng không S-400 của Nga ngày càng tiên tiến hơn với khả năng truyền dữ liệu radar nhanh chóng.

Theo National Interest, tính năng của S-400 có thể cho phép "Rồng lửa" Nga vô hiệu hóa lợi thế của máy bay quân sự Mỹ, tạo ra cho vũ khí Nga khả năng theo dõi và bắn hạ máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ một cách hiệu quả.

Tính năng vượt trội của S-400 đã được Nga "quảng cáo" từ lâu và đây có thể là động lực phía sau nỗ lực gần đây của Lầu Năm Góc nhằm thuyết phục Ấn Độ từ bỏ kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Đây cũng là lý do khiến Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Washington trong khối NATO, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối loại bỏ hệ thống S-400 mà nước này đã mua từ Nga.

Mỹ tuyên bố động cơ phía sau các lệnh trừng phạt và đóng băng kế hoạch bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ là do vũ khí Nga không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO. Sau đó, Mỹ cáo buộc Moscow có thể có được thông tin quan trọng về F-35 thông qua hệ thống S-400 được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Washington từ chối làm việc với Ankara để ngăn chặn lỗ hổng tiềm ẩn.

Gần đây, Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì đã cố tình không hành động như một "đồng minh của Mỹ" khi đưa ra quyết định mua S-400 từ Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bác bỏ những chỉ trích của Nhà Trắng về thỏa thuận của Ankara với Moscow, đồng thời liên tục nhắc nhở Washington về việc Ankara đã cố gắng mua hệ thống tên lửa Patriot từ Mỹ trong nhiều năm nhưng không thành công.

Tổng thống Erdogan giải thích rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm nơi khác để tăng cường an ninh quốc gia. Ông từ chối mọi các nỗ lực của Mỹ nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị thành lập một nhóm làm việc để đạt được thỏa hiệp về vấn đề này. Tuy nhiên, Mỹ đã phớt lờ đề xuất này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm