Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua "Rồng lửa" S-400 Nga bất chấp Mỹ trừng phạt
(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ hệ thống S-400 của Nga", Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói với TRT hôm 11/2.
"Quyết định (mua) S-400 không phải được đưa ra chỉ sau một đêm", ông Kalin nói, đồng thời cho biết ông đã đề cập tới vấn đề này trong cuộc điện đàm với cố vấn an ninh quốc gia của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước. Hai quan chức Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ trao đổi lại trong những ngày tới.
Mặc dù thay đổi một số chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump, song đội ngũ của ông Biden đã phát tín hiệu cho thấy lập trường của Mỹ trong vấn đề S-400 sẽ không thay đổi.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 5/2 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không giữ lại hệ thống S-400, cho rằng hệ thống này không tương thích với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ cũng như các hệ thống vũ khí khác của NATO.
Mỹ từng nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 và không sử dụng tổ hợp này, thậm chí đề nghị "phá hủy" tổ hợp phòng không đã mua từ Nga. Washington còn loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35, viện dẫn rủi ro an ninh S-400 có thể gây ra cho máy bay tối tân của Mỹ.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp nhận các tổ hợp phòng không S-400 mà nước này mua của Nga và sẵn sàng đưa các hệ thống này vào trực chiến. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đợt bắn thử đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm S-400 mà "không cần xin phép Washington".
Tổng thống Erdogan nhiều lần khẳng định việc mua các hệ thống S-400 của Nga là vấn đề thuộc chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và nước này không cần Mỹ cho phép để mua các hệ thống vũ khí mới. Ông Erdorgan cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ S-400 đã cho thấy Washington không tôn trọng đồng minh quan trọng trong khối NATO.
Hồi tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẵn sàng mua lô S-400 thứ 2 của Nga với điều kiện chuyển giao công nghệ. Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng thương vụ này là "không thể chấp nhận được", đồng thời cảnh báo các biện pháp cứng rắn hơn sẽ được triển khai để ngăn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác quốc phòng.
Theo người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, tranh cãi với Mỹ liên quan tới hệ thống S-400 nên được giải quyết thông qua đàm phán, đồng thời cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Erdogan dự kiến diễn ra trong "những tuần tới".
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 9/2 đề xuất rằng nước này có thể chỉ kích hoạt một phần hệ thống S-400 như một giải pháp thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
"Chúng tôi sẽ không sử dụng hệ thống này liên tục", ông Akar nói.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận cần có thêm thời gian trước khi hai nước tìm được tiếng nói chung trong vấn đề S-400. Tuy nhiên, việc Washington sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận là bằng chứng cho thấy họ "quan tâm" tới mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Rồng lửa" S-400 hiện được coi là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất, có thể tiêu diệt tất cả vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo.