Mỹ lên tiếng sau khi ICC phát lệnh bắt chỉ huy quân sự Nga
(Dân trí) - Mỹ khẳng định không tác động đến mọi quyết định cũng như các cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về việc tòa án này phát lệnh bắt giữ 2 chỉ huy quân sự Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/3 cho biết, Washington ủng hộ việc ICC phát lệnh bắt giữ đối với 3 chỉ huy quân sự của Nga.
"Chúng tôi đã nắm được thông tin ICC phát lệnh bắt giữ 2 chỉ huy quân sự Nga là ông Sergei Kobylash và Viktor Sokolov. Mỹ ủng hộ các cuộc điều tra quốc tế đối với hoạt động của Nga ở Ukraine, trong đó có cuộc điều tra của ICC", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh Mỹ không tác động đến mọi quyết định cũng như các cuộc điều tra của ICC.
Bình luận được đưa ra sau khi ICC ngày 5/3 phát lệnh bắt giữ Trung tướng Sergei Kobylash và Đô đốc Viktor Sokolov, cáo buộc 2 chỉ huy quân sự Nga "phạm tội ác chiến tranh" trong cuộc xung đột Ukraine.
Tuyên bố của tòa án cho biết, chi tiết đầy đủ của lệnh bắt giữ mới sẽ không được tiết lộ để bảo vệ các nhân chứng và bảo vệ các cuộc điều tra tiếp theo.
Trung tướng Kobylash, 58 tuổi, là chỉ huy của lực lượng hàng không tầm xa thuộc lực lượng không quân Nga vào thời điểm xảy ra các vụ tấn công nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine từ khoảng 10/10/2022 đến 9/3/2023.
Tình báo quân đội Ukraine cho biết các cuộc tấn công của Nga vào các khu vực đông dân cư ở thành phố Mariupol được tiến hành dưới sự chỉ huy của ông Kobylash.
Ông Sokolov, 61 tuổi, là đô đốc hải quân Nga và là chỉ huy Hạm đội Biển Đen trong thời gian xảy ra các vụ tấn công.
ICC bắt đầu điều tra các hoạt động của Nga sau khi Moscow mở chiến dịch không kích quy mô lớn vào hạ tầng năng lượng Ukraine từ cuối năm 2022 đến năm 2023.
Theo ICC, các cuộc tấn công của Nga vào hạ tầng điện của Ukraine đã gây ra thiệt hại quá mức cho dân thường khi so sánh với bất kỳ lợi thế quân sự nào mà Nga có thể đạt được.
Truyền thông phương Tây ước tính, chiến dịch không kích của Nga đã phá hủy hơn một nửa hạ tầng điện của Ukraine. Moscow tiếp tục sử dụng chiến thuật này trong mùa đông vừa qua.
Moscow khẳng định các cuộc tập kích của họ chỉ nhằm vào những mục tiêu quân sự nhằm làm giảm năng lực tác chiến của Ukraine.
Đây là lần thứ hai ICC phát lệnh bắt giữ giới chức Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Cách đây một năm, ICC cũng phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên phụ trách vấn đề quyền trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Nga coi lệnh bắt giữ của ICC là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.
Về lý thuyết, 123 quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ nếu những người có tên trong lệnh bắt giữ đặt chân lên lãnh thổ những nước này. Tuy nhiên, việc thực thi hay không tùy thuộc vào mỗi quốc gia với những lý do khác nhau.