1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ ký thỏa thuận giúp Ukraine, Ba Lan "rời xa" khí đốt Nga

(Dân trí) - Mỹ, Ba Lan và Ukraine đã bắt tay tăng cường hợp tác về cung cấp khí đốt trong khu vực để không phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

Mỹ ký thỏa thuận giúp Ukraine, Ba Lan rời xa khí đốt Nga - 1

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi sẽ giúp Ba Lan giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga”, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry phát biểu trong một cuộc họp báo ở Warsaw ngày 31/8 sau cuộc gặp với các giới chức từ Ba Lan và Ukraine.

Quan chức chính phủ Ba Lan chịu trách nhiệm về hạ tầng năng lượng, Piotr Naimski, cho hay Ba Lan, vốn đã gia tăng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ trong những năm gần đây, có thể vận chuyển 6 tỷ m3 khí đốt tới Ukraine bắt đầu từ năm 2021, so với mức hiện tại là 1,5 tỷ m3.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực để đa dạng nguồn cung khí đốt cho Ukraine, hiện đang phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn cung của Nga”, ông Naimski cho biết tại cuộc họp báo.

Ông Perry, ông Naimski và Bộ trưởng an ninh quốc gia Ukraine Oleksandr Danylyuk đã ký một biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng trong khu vực qua nguồn cung LNG từ Mỹ dựa trên hạ tầng của Ba Lan và Ukraine, dự kiến sẽ vẫn được mở rộng.

Theo chính sách được gọi là thống trị năng lượng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách xóa bỏ các quy định nội địa về sản xuất năng lượng để thúc đẩy xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ cho các đồng minh và đối tác thương mại.

Washington đang tìm cách chào mời châu Âu các nguồn khí đốt thay thế nguồn cung của Nga, vốn rẻ hơn LNG của Mỹ nhưng không ổn định khi Nga thỉnh thoảng cắt vận chuyển khí đốt cho Ukraine và các khu vực châu Âu do những tranh cãi về giá cả.

Hơn 1/3 nguồn xuất khẩu khí đốt của Nga cho châu Âu là thông qua Ukraine. Kiev cũng thường sử dụng một phần khí mà Nga vận chuyển cho các nhà tiêu thụ châu Âu để phục vụ nhu cầu của nước này ở các khu vực miền đông và miền trung.

Nhưng thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga-Ukraine dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 1/2020, và giới chức năng lượng Ukraine lo ngại rằng Moscow có thể ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine, khiến một số khu vực của nước này không có khí đốt vào mùa đông.

Ba Lan cũng vậy. Ba Lan, được xem là một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington tại châu Âu, hiện vẫn mua hầu hết lượng tiêu thụ khí đốt từ Nga, nhưng giờ đây đã có các bước đi nhằm giảm sự phụ thuộc sau năm 2020 khi thỏa thuận lâu năm về việc cung cấp khí đốt với Gazprom hết hạn.

Nguồn nhập khẩu LNG của Ba Lan, trong đó có từ Mỹ, thông qua cảng Swinoujscie ở biển Baltic, đã tăng lên trong những năm gần đây trong khuôn khổ một kế hoạch lớn hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.

Mới đầu tuần này, công ty khí đốt quốc gia Ba Lan PGNiG cho biết đã mua một lô LNG từ Mỹ và bán lại cho Ukraine.

An Bình

Theo Reuters