1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tương lai nào cho Liên minh châu Âu - Ukraine?

Đối với Tổng thống Ukraine Zelensky, hội nghị thượng đỉnh lần này có thể coi là điểm tham chiếu cho giai đoạn mới hội nhập Châu Âu của đất nước.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine diễn ra ngày 8/7 tại thủ đô Kiev của Ukraine với hàng loạt nội dung trọng tâm đã được hai bên thảo luận như thúc đẩy hợp tác về chính trị, kinh tế cũng như an ninh song phương. Đặc biệt, hội nghị cũng bàn thảo về những ưu tiên cho tương lai mối quan hệ EU - Ukraine.

Tương lai nào cho Liên minh châu Âu - Ukraine? - 1

Tổng thống Volodymyr Zelensky quyết tâm đưa Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu. Ảnh: EU Neighbours

Ukraine quyết tâm gia nhập EU

Quyết tâm gia nhập EU và NATO đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thể hiện ngay từ khi ông tham gia tranh cử vào vị trí lãnh đạo đất nước. Đầu tháng 6, chỉ hai tuần sau khi nhậm chức Tổng thống, ông đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Brussels, nơi đặt các tổ chức hàng đầu của EU và trụ sở NATO để tiếp tục cam kết về mục tiêu trở thành thành viên của các tổ chức này, giống như người tiền nhiệm Petro Poroshenko.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 giữa Ukraine và EU ngày 8/7, Tổng thống Zelensky tuyên bố, ông và nhóm của mình quyết tâm hành động nhanh và hiệu quả. Theo lời Zelensky, có thể hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22 đối với Ukraine là không cần thiết, vì nước này sẽ là một phần không thể thiếu của EU. Và ông hứa rằng, nhóm của ông sẽ bắt tay vào những cải cách phức tạp và quan trọng trong khuôn khổ hợp tác với EU, đặc biệt là chống tham nhũng. Bởi ông cho rằng, các đối tác châu Âu đã mệt mỏi trong việc phân bổ tiền để chống tham nhũng ở Ukraine. Tổng thống Zelensky cũng nói rằng, Tòa án Chống tham nhũng sẽ bắt đầu xem xét các vụ án hình sự có liên quan vào ngày 5/9 tới đây.

Hội nghị đã kết thúc với 5 thỏa thuận về hỗ trợ tài chính được ký, mà theo đó EU dành cho Kiev tổng số hơn 120 triệu Euro. Số tiền được phân bổ cho việc thực hiện các dự án phân cấp, tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, hỗ trợ xã hội dân sự và phát triển miền đông Ukraine. Đối với tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hội nghị thượng đỉnh lần này có thể coi là điểm tham chiếu cho giai đoạn mới hội nhập Châu Âu của đất nước. Bởi như ông đã nêu rõ với báo giới sau khi kết thúc hội đàm, đó là những thay đổi quan trọng nhất của đất nước vẫn đang ở phía trước.

EU liệu có thay đổi thái độ?

Có một điều cần lưu ý, đó là Hội nghị Thượng đỉnh Ukraine-EU ngày 8/7 đã là thượng đỉnh lần thứ 21 giữa hai bên, tức là từ rất nhiều năm qua, EU luôn dành cho Ukraine một sự quan tâm tương đối đặc biệt, bởi lẽ xét về quy mô của nền kinh tế thì Ukraine hoàn toàn không có đủ sức nặng để được coi là một đối tác ngang hàng với EU.

Vào năm 2013, tức trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine thì GDP của nước này đạt mức cao nhất nhưng cũng chỉ vào khoảng 180 tỷ USD, tức chỉ bằng 2/3 một nền kinh tế hạng trung ở châu Âu là Hy Lạp. Nhưng sở dĩ EU luôn duy trì đối thoại cấp cao với Ukraine trong nhiều năm đó là vì vai trò địa chính trị quan trọng của nước này, như là biên giới ngăn cách giữa EU với Nga.

Trong vài năm qua, sau khi xảy ra các diễn biến chính trị bất ổn ở Ukraine, EU đã gia tăng sự trợ giúp về tài chính cũng như ủng hộ về chính trị cho Ukraine. Từ năm 2014, EU đã viện trợ 3,3 tỷ euro cho Ukraine nhằm cải thiện việc điều hành kinh tế vĩ mô, cộng thêm 500 triệu euro cho các cải cách có điều kiện. Đây là các trợ giúp tài chính lớn nhất mà EU dành cho một quốc gia không phải là thành viên của khối. Vì thế, rất khó nói là EU đã “khắt khe” với Ukraine.

Vấn đề lớn nhất tồn tại giữa EU và Ukraine trong vài năm qua, đó là việc các nước EU đã có một thời gian bất đồng với nhau về việc là đã đến lúc kết nạp Ukraine là một thành viên đầy đủ của EU hay chưa? Sự bất đồng này lên đến đỉnh điểm cuối năm 2016 khi Hà Lan bác bỏ hiệp ước liên kết giữa EU và Ukraine. Tuy Hiệp ước này cuối cùng đã có hiệu lực từ cuối năm 2017 nhưng chủ đề kết nạp Ukraine vào EU vẫn gây ra một sự lo ngại với một số nước. 

Nguyên nhân ở đây đó là các tính toán chính trị. Trong nội bộ EU vẫn có những nước cho rằng nếu EU vội vàng mở rộng quá nhanh sang phía Đông và kết nạp Ukraine thành một thành viên đầy đủ thì đó sẽ là sự khiêu khích công khai với Nga và khiến căng thẳng với Nga càng thêm trầm trọng. Ngoài ra, ý muốn công khai của các nhà lãnh đạo Ukraine trước đây về việc gia nhập EU và sau đó là NATO càng khiến EU phải thận trọng hơn. Quan điểm của nhiều nước EU hiện nay cho rằng EU nên giữ quan hệ gần gũi nhất với chính quyền Ukraine nhưng cũng phải tránh các bước đi quá nóng vội, có thể làm bùng phát trở lại các xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine.

Mối quan hệ với Nga

Quan điểm xuyên suốt của EU từ sau khi nổ ra khủng hoảng Ukraine năm 2014 đến nay là ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, không công nhận các hành động của Nga ở Crimea và lên án các chính sách bị xem là gây căng thẳng mà Nga tiến hành ở miền Đông Ukraine. Tại Thượng đỉnh lần này, hai ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu tiếp tục nhắc lại điều này, và cho biết EU sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga cho đến khi nào tình hình ở miền Đông Ukraine được cải thiện.

Đây là các tuyên bố mang tính nguyên tắc từ phía EU, nhưng EU cũng không có lợi ích gì trong việc gia tăng căng thẳng với Nga hay thúc giục chính quyền mới tại Ukraine đối đầu với Nga. Nói cách khác, là EU tiếp tục ủng hộ Ukraine về mặt chính trị và ngoại giao, một phần nữa là về kinh tế, nhưng tình huống tốt nhất mà các cường quốc EU, như Đức và Pháp, vẫn đang theo đuổi là việc chính quyền mới tại Ukraine có thể đối thoại với Nga để khởi động lại việc thực thi Hiệp định Minsk về chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraina.

Châu Âu luôn cảnh giác với Nga và lo ngại trước sức mạnh quân sự của Nga nhưng không hề có ý định kéo dài sự đối đầu căng thẳng với Nga bởi sự đối đầu này chỉ mang lại nhiều rủi ro an ninh và thiệt hại kinh tế hơn cho châu Âu.

Theo Quang Dũng, Anh Tú

VOV